Theo kênh truyền hình RT, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ ngày 21/5 đã viết thư gửi tới các công ty mạng xã hội, hối thúc các công ty này loại bỏ các nội dung có sử dụng cụm từ trên khi cho rằng không có bằng chứng khoa học nào chỉ ra mối liên hệ giữa biến thể virus và Ấn Độ.
“Internet đang lan truyền thông tin không đúng, ám chỉ biến thể virus Ấn Độ đang lây lan ra các nước. Điều này hoàn toàn sai”, bức thư đề cập tới biến thể do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận dạng với tên khoa học là B.1.617. Ca mắc đầu tiên đối với biến thể này được tìm thấy tại Ấn Độ.
Cho đến nay, WHO không sử dụng cụm từ “biến thể Ấn Độ” đối với biến thể B.1.617 trong bất kỳ văn bản báo cáo hay phát ngôn nào.
Một nguồn tin chính phủ giấu tên cho hay cụm từ trên đang làm xấu hình ảnh đất nước Ấn Độ và cho mọi người một ý nghĩ sai lầm rằng biến thể virus SARS-CoV-2 có mối liên hệ cụ thể với Ấn Độ.
Đầu tháng này, Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ trích các bài viết gọi B.1.617 là “biến thể Ấn Độ”. Bộ lưu ý báo cáo ngày 10/5 của WHO về biến thể mới không sử dụng cụm từ này, mặc dù tài liệu có nói "các ca nhiễm biến thể B.1.617 được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ”.
Singapore cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với các nền tảng truyền thông xã hội, yêu cầu Facebook và Twitter đính chính trên các bài đăng trước đó cho rằng một biến thể mới đã được phát hiện ở ngay tại quốc đảo này. Yêu cầu được đưa ra sau khi Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đăng tweet cảnh báo về “biến thể Singapore”.
Trong khi WHO chưa bao giờ liên hệ nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 hoặc bất kỳ biến thể virus SARS-CoV-2 với các nước cụ thể vì lo ngại xuất hiện tình trạng kỳ thị, thì các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng y tế, với nhiều nội dung đề cập đến “biến thể Anh”, “biến thể Brazil” hay “biến thể Nam Phi”.
Trong giai đoạn đầu khi bùng phát đại dịch, tranh cãi đã nổ ra khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” khi nói về SARS-CoV-2, ám chỉ thực tế mầm bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 21/5, một nhóm người Mỹ gốc Hoa đã đâm đơn kiện vị cựu tổng thống này, cho rằng phát ngôn của ông đã làm gia tăng bạo lực nhằm vào người châu Á và gây ra nỗi đau tinh thần trên diện rộng.
Nhằm xóa bỏ sự kỳ thị đối với biến thể B.1.617, tại một cuộc họp báo ngày 21/5, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết bà sẽ không dùng cụm từ "biến thể Ấn Độ", thay vào đó là biến thể “Ngày 2/4”. Bộ trưởng Y tế nước này Humza Yousaf khẳng định việc thay đổi tên là phù hợp. Ông nhấn mạnh điều quan trọng là “chúng ta không cho phép virus này gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng và loài người”.