Đây là lần đầu tiên ông Abe mời một nhà lãnh đạo chính trị nước ngoài đến tư dinh nghỉ dưỡng của ông ở làng Narusawa thuộc tỉnh trên.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định Ấn Độ đang là động lực thúc đẩy khu vực và sự thịnh vượng của thế giới với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Khi đoàn tàu cao tốc Shinkansen, dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ, bắt đầu vận hành tuyến Mumbai - Ahmedabad, sẽ trở thành một biểu tượng tỏa sáng của tình hữu nghị Nhật Bản - Ấn Độ trong tương lai.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: "Quan hệ đối tác Ấn Độ-Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn về cơ bản và đã được củng cố như một mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu". Ông nêu rõ "Trong mối quan hệ này không có yếu tố tiêu cực nào mà chỉ có những cơ hội đang chờ được nắm giữ".
Thủ tướng Modi cũng đăng trên trang mạng Twitter bày tỏ "Hết sức cảm ơn Thủ tướng Abe về sự tiếp đón nồng hậu tại tư dinh của ông. Tôi thực sự trân trọng cử chỉ này".
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết tại bữa trưa làm việc diễn ra trước đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Hai bên nhất trí hợp tác để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Chiều cùng ngày, hai nhà lãnh đạo đã đi thăm khu công nghiệp FANUC chuyên về các kỹ thuật robot và tự động hóa.
Kể từ năm 2005, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh gần như thường niên. Tính tới nay, hai ông Abe và Modi đã tổ chức 11 cuộc gặp thượng đỉnh. Chuyến thăm lần này của ông Modi tới Nhật Bản diễn ra ngay sau khi ông Abe thăm Trung Quốc và có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong các cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc đã thống nhất nguyên tắc chuyển đổi quan hệ từ cạnh tranh sang hợp tác trong kỷ nguyên mới của quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Ngày 29/10, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tiến hành hội nghị chính thức tại Tokyo với trọng tâm thảo luận nhằm tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế song phương. Bên cạnh các vấn đề song phương, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.