An ninh Ai Cập kiểm soát thánh đường Hồi giáo

Theo đài truyền hình quốc gia Ai Cập tối 17/8 cho biết, lực lượng an ninh Ai Cập đã kiểm soát hoàn toàn tình hình tại thánh đường Hồi giáo Al-Fath ở trung tâm quảng trường Ramses, thủ đô Cairo, nơi ẩn náu của hàng trăm người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. 



Cảnh tàn phá sau cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình gần quảng trường Ramses ở Cairo, ngày 16/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Đụng độ đã xảy ra dữ dội xung quanh thánh đường Al-Fath vào chiều cùng ngày khi lực lượng an ninh và những người ẩn náu trong thánh đường nã súng vào nhau. Theo các nguồn tin tại chỗ, cảnh sát đã bắt giữ những người có vũ trang bên trong thánh đường và bước đầu khôi phục lại tình hình an ninh tại đây cho những người vẫn đang mắc kẹt.

Phát ngôn viên quân đội Ahmed Ali cho biết "nhóm bạo lực" ẩn náu bên trong và trên các ngọn tháp của thánh đường đã nã đạn vào quân đội và cảnh sát. Trong khi đó, có tin nói rằng chính lực lượng an ninh mới là những người bắn từ trên đỉnh tháp xuống.   

Cũng trong ngày 17/8, tại Alexandria và Behaira đã xảy ra đụng độ giữa những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và người dân địa phương khi cư dân tại hai địa phương này ngăn các thành viên MB tiếp tục tuần hành sau giờ giới nghiêm. 

Căng thẳng đang gia tăng mạnh tại Ai Cập kể từ khi lực lượng an ninh nước này giải tán hai lán trại biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống Morsi hôm 14/8, khiến 6 người thiệt mạng và hơn 4.000 bị thương. Theo số liệu chưa chính thức, các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với những người ủng hộ ông Morsi trong ngày 16/8 cũng đã cướp thêm sinh mạng của 173 người và làm hơn 1.300 người bị thương.

Các cuộc đụng độ này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ đẩy đất nước Kim tự tháp vào một cuộc nội chiến khi những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm được ban bố trong vòng một tháng.    

Theo kế hoạch, trong ngày 18/8, những người biểu tình sẽ tiếp tục đổ về Tòa án Hiến pháp tối cao ở quận Maady và quảng trường Rosky ở quận Heliopolis. Trong khi đó, chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn khẳng định sẽ đối phó với những người biểu tình bạo lực bằng tất cả các phương tiện cần thiết.   

Phát biểu về vòng xoáy bạo lực hiện nay, cố vấn phụ trách chính trị của Tổng thống lâm thời Ai Cập, ông Mostafa Hegazi, cho rằng Ai Cập đang đối mặt với chiến tranh do "lực lượng khủng bố" gây ra. Ông nêu rõ tình hình hiện nay ở Ai Cập và các cuộc biểu tình của người Hồi giáo là "hành động khủng bố thực sự", chứ không phải chỉ là sự bất đồng chính trị.

Ông Mostafa Hegazi cho biết, để làm giảm căng thẳng, chính phủ sẽ "mở cửa" cho các thành viên phi bạo lực thuộc MB tham gia lộ trình hòa bình. Ông nói: "Bất kỳ ai thuộc MB hoặc không phải MB nhưng muốn tham gia tiến trình hòa bình hướng tới tương lai cho Ai Cập đều sẽ được hoan nghênh". Ai Cập hoan nghênh các đảng phái không tiến hành "các hành động khủng bố".  

Quốc tế tiếp tục lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập

Căng thẳng ở Ai Cập tiếp tục gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Ngày 17/8, khoảng 4.000 người dân Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống đường để lên án "các vụ thảm sát" tại Ai Cập. Biểu tình cũng đã diễn ra ở thành phố Konya, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của gần 10.000 người. Còn tại thành phố Nazareth, miền Bắc Israel, khoảng 4.000 người gốc Arập đổ ra đường hô khẩu hiệu ủng hộ đối với ông Morsi. 
   

Hang nghìn người ở Pakistan biểu tình phản đối sử dụng bạo lực ở Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại thành phố Benghazi ở miền Đông Libya, một quả bom phát nổ bên ngoài Lãnh sự quán Ai Cập làm đổ bức tường ngoài, phá hủy một số xe ô tô và làm một nhân viên an ninh cùng 5 trẻ em bị thương. Trong khi đó, tại quảng trường Algeria ở thủ đô Tripoli của Libya, nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức MB. Tại Algeria, hàng chục người Ai Cập biểu tình ngồi gần Đại sứ quán Ai Cập để phản đối bạo lực ở quê nhà.  

Trong khi đó, Quốc vương Arập Xêút Abdullah bin Abdul ra lệnh gửi thiết bị và nhân viên y tế tới Ai Cập lập 3 bệnh viện dã chiến để giúp giảm tải cho các bệnh viện đang phải chữa trị cho rất nhiều người bị thương trong các cuộc đụng độ đẫm máu vài ngày qua. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon tiếp tục hối thúc các bên ở Ai Cập chấm dứt biểu tình bạo lực và ngừng ngay việc "sử dụng vũ lực quá mức".

Theo ông, việc tấn công vào các đền thờ, bệnh viện và các cơ sở công cộng là không thể chấp nhận được, và rằng ngăn chặn đổ máu phải là "ưu tiên cao nhất" hiện nay.

Các nước Đức, Qatar, Cuba và nhiều quốc gia Mỹ Latinh cũng đưa ra những phản ứng lo ngại về tình hình bạo lực tại Ai Cập, đồng thời hối thúc các bên liên quan đối thoại chính trị để tìm giải pháp. Chính phủ Venezuela thậm chí cho triệu Đại sứ tại Cairo về nước để phản đối. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Nabil Fahmy để lên án mọi hành động bạo lực cũng như các cuộc tấn công nhằm vào đền thờ Hồi giáo và nhà thờ Công giáo.


TTXVN/Tin tức
Kịch bản nào cho Ai Cập?
Kịch bản nào cho Ai Cập?

Ai Cập đã chính thức rơi vào vòng xoáy bất ổn mới và đang hướng tới một cuộc nội chiến thực sự khi cảnh sát tấn công vào hai khu lán trại của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi khiến 6 người thiệt mạng và hơn 4.000 bị thương từ ngày 14/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN