Ẩn ý từ bài phát biểu của TT Putin: Nga quyết lập lại vị thế cường quốc

Hôm 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Nga về việc sáp nhập Crimea. Đây được xem là bài “diễn văn lịch sử thay đổi thế giới”. Người đọc có thể cảm nhận được những suy tư về thời kì đế chế Nga, những chỉ trích đanh thép của Nga nhằm vào Mỹ và phương Tây, cùng với đó là quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của Moskva.

Tổng thống Putin đã nói về “giới hạn đỏ” mà phương Tây đã vượt qua trong vấn đề Ukraine. Ông không nói chi tiết, nhưng có thể cảm nhận được một điều: Khát vọng khôi phục vị thế cường quốc chính là lý do để Nga bất chấp sức ép quyết đối đầu với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine.

Putin với khát vọng làm sống lại vị thế cường quốc cho Nga

Tổng thống Vladimir Putin với khát vọng khôi phục vị thế cường quốc cho Nga. Ảnh: Reuters


Có một chi tiết ít được mọi người để ý. Vào một buổi chiều đầu tháng 11/2013, tại Điện Kremlin đã diễn ra một sự kiện đặc biệt. Giáo chủ Kirill, Chánh tòa Moskva đồng thời cũng là người đứng đầu Chính thống giáo toàn Nga đã dành cho ông chủ Điện Kremlin một sự bất ngờ lớn: Lời ghi danh Tổng thống Putin vì “đã góp phần bảo vệ Đại Nga”. “Ta đều biết, anh, hơn ai hết kể từ cuối thể kỉ 20, đang giúp nước Nga trở nên hùng cường và giành lại vị thế từng có - một quốc gia tôn trọng mình và nhận được sự tôn trọng của tất cả các nước khác”, Giáo chủ Kirill nói.

“Gấu Nga” đã trở lại - đó là thông điệp mà nhiều học giả và giới nghiên cứu phương Tây mô tả về bước chuyển mình của nước Nga. Không khoa trương, ông Putin đã từng bước khôi phục lại vị thế cường quốc của Nga. Kế hoạch đã được khởi động trong nhiều năm trước, với điểm nhấn chủ đạo là ý tưởng khôi phục lại một đường biên giới mềm thời liên bang Xô Viết, thông qua việc tạo lập Liên minh Á - Âu (Eurasian Union). Liên minh này được thành lập theo một hiệp định được kí ngày 18/11/2011 giữa lãnh đạo Nga, Kazakhstan và Belarus, được gọi với dưới một tên khác “mềm” hơn là Liên minh thuế quan. Mục đích cuối cùng được cho là tiến đến một Hội đồng Á-Âu (theo mô hình của Liên minh châu Âu - EU), có sự tham gia của các nước trong không gian hậu Xô Viết.

Nga thực hiện, Mỹ dĩ nhiên chẳng chịu đứng yên, vì Washington cũng nhìn thấy được các bước đi và dự định của Moskva. Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) tại Dublin, Ireland hồi đầu tháng 12/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói thẳng rằng, Mỹ đang quyết tâm ngăn cản Nga và các đồng minh thực hiện việc tiến đến một khối liên kết mô phỏng “Liên bang Xô Viết dưới vỏ bọc hội nhập kinh tế”. Bà Clinton phát biểu, “có động thái cho thấy ‘tái Xô Viết hóa khu vực’. Dĩ nhiên là người ta không gọi nó như thế. Nó sẽ được gọi là Liên minh Thuế quan, Liên minh Á-Âu. Nhưng không được phép nhầm lẫn về điều này. Chúng tôi biết mục đích của nó là gì và sẽ tìm ra cách thức hiệu quả để làm giảm, hoặc ngăn cản tiến trình này”.

Quyết đấu tại Ukraine

Giữa việc tạo lập và ngăn cản sự hình thành, phát triển của một liên minh như vậy, Ukraine trở thành điểm đến của cả hai bên, vì yếu tố địa chính trị của mình. Đối với Nga, Ukraine là miếng ghép trung tâm trong bản “thiết kế lớn” của ông Putin. Không có Ukraine, Moskva sẽ thiếu hẳn một cánh tay vươn dài tới vùng Trung Âu, Biển Đen. Đã có đánh giá cho rằng, “có” Ukraine, nước Nga có thể lấy lại vị thế cường quốc, thậm chí là siêu cường. Còn “mất” Ukraine, ý tưởng, khát vọng đó sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thực. Đối với Mỹ và phương Tây, Ukraine đương nhiên cũng là “một điểm then chốt” nhằm kiềm chế nước Nga, không để tái diễn một “sai lầm lịch sử” về sự xuất hiện của bất kì một siêu cường nào có khả năng thách thức quyền lực Mỹ, như Liên Xô đã từng làm được trước đây. Lôi kéo Kiev, cả Washington và Brussels muốn hướng đến nhiều mục tiêu, nhưng quan trọng hơn cả là việc đưa Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), buộc Kiev cho thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa và từ đó áp sát Nga. Những phản ứng qua lại giữa Nga với Mỹ và đồng minh phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine vừa qua đều cho thấy thế đối đầu không khoan nhượng giữa hai bên.

Nếu thực sự đó là vấn đề xác lập vị thế cường quốc, thậm chí là siêu cường đối với nước Nga và sự “chống lại” đến cùng từ Mỹ, thì quả thực bóng ma về “Chiến tranh Lạnh” có thể sẽ quay trở lại - như đánh giá của nhiều quan chức, học giả quốc tế. Chỉ có điều, lần này Mỹ dường như đẩy EU cùng NATO lên tuyến đầu chống Nga, còn bản thân sẽ phải chú tâm vào nhiều điểm nóng khác trên thế giới, nhất là chiến lược "xoay trục" sang châu Á.

Đã có nhiều người bị ấn tượng bởi phong cách tự tin của Tổng thống Putin. Blogger nổi tiếng người Mỹ Matt Drudge từng gọi Putin là “nhà lãnh đạo của thế giới tự do”. Người khác nhìn nhận, ông Putin là người theo đuổi phong cách lãnh đạo nước Nga hồi thế kỉ 19: Không cảm thấy buộc phải cam kết đi theo các mô hình chính trị châu Âu, với một khẩu hiệu rõ ràng và dứt khoát: “cái gì là của tôi thì không thể thuộc về các bạn”. Ông Barack Obama thì đôi khi bị cho là “yếu đuối” trong nhiều vấn đề quốc tế. Nhưng sẽ thật khó để xác định ai sẽ thắng ai, vì bước vào cuộc chiến thì dễ, rút ra mới là điều khó khăn.


Song Anh (Tổng hợp)

Nhân vật trung tâm từ Syria đến Ukraine: 10 điều đặc biệt về Putin
Nhân vật trung tâm từ Syria đến Ukraine: 10 điều đặc biệt về Putin

Khi Tổng thống Nga trở thành người quyền lực nhất thế giới năm 2013, nhân vật trung tâm của nhiều cuộc khủng hoảng - từ Syria cho tới Ukraine, tờ Huffington Post đã điểm lại những điều thú vị nhất liên quan đến cuộc đời của nhà lãnh đạo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN