Danh sách trừng phạt gồm 14 người Nga bị cáo buộc liên quan một bê bối tham ô tài sản công, 4 người Nam Phi bị cáo buộc liên quan bê bối tham nhũng dưới thời cựu Tổng thống Jacob Zuma, một doanh nhân người Sudan bị cáo buộc sử dụng tài sản công sai mục đích. Những cá nhân còn lại là những người bị tình nghi liên quan bê bối tham nhũng lớn ở Honduras, Nicaragua và Guatemala, trong đó có việc tiếp tay cho hành vi hối lộ của các băng nhóm tội phạm.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng vấn nạn tham nhũng tác động lâu dài, làm suy kiệt tài sản của những quốc gia nghèo và đẩy người dân của những nước này vào vòng vây của nghèo đói mà không có cách thoát ra.
Cơ chế chống tham nhũng toàn cầu được Anh áp dụng sau khi nước này chính thức rời Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Anh triển khai các biện pháp trừng phạt theo cơ chế chung của EU. Với cơ chế mới, Anh hy vọng ngăn chặn nguy cơ quốc gia này trở thành điểm trú ẩn của các quỹ phi pháp và hoạt động rửa tiền.
Theo Ngoại trưởng Raab, cơ chế mới giúp lực lượng chức năng của nước này xử lý tốt hơn những hành vi gian lận, đặc biệt là hối lộ và sử dụng tài sản sai mục đích, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và hành pháp, cho phép trừng phạt những người tham gia các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật chống tham nhũng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh động thái mới của Anh, cho rằng các biện pháp này giúp củng cố các nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu.