Theo thông cáo của Đại sứ quán Anh tại Khartoum, ông Raab đã ký một bản ghi nhớ với Bộ trưởng Tài chính Sudan viện trợ 40 triệu bảng Anh (54,9 triệu USD) cho Chương trình hỗ trợ gia đình Sudan, theo đó sẽ có 1,6 triệu người dân được nhận khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Raab tuyên bố Anh sẵn sàng cung cấp khoản vay 330 triệu bảng Anh (455 triệu USD), để Sudan trả nợ cho Ngân hàng phát triển châu Phi. Ông Raab cho biết thêm tổng số tiền Anh hỗ trợ Sudan trong năm tài chính này sẽ lên tới 129 triệu bảng Anh.
Ngoại trưởng Raab đã tới Khartoum tối 20/1 và đây là chuyến thăm Sudan đầu tiên của một ngoại trưởng Anh trong 10 năm qua. Thông cáo của Đại sứ quán Anh nêu rõ chuyến thăm của ông Raab thể hiện sự ủng hộ của Anh đối với chính quyền chuyển tiếp ở Sudan sau vụ lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir hồi năm 2019.
Trong chuyến công du này, ông Raab đã gặp Thủ tướng Abdalla Hamdok, người đứng đầu Hội đồng cầm quyền Suddan Abdel Fattah al-Burhan và một số quan chức khác. Nội dung các cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề như cải cách kinh tế ở Sudan, căng thẳng biên giới gần đây với Ethiopia hay dự án xây đập ở sông Nile.
Chuyến thăm của ông Raab tới Sudan diễn ra vài ngày sau khi các cuộc xung đột sắc tộc tại khu vực Darfur bùng phát trong nhiều ngày qua khiến hơn 200 người chết và nhiều người bị thương.
Cũng trong ngày 21/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn cấp về các cuộc xung đột nói trên, tuy nhiên không đưa ra được tuyên bố chung liên quan đến vấn đề này.
Theo các nhà ngoại giao, HĐBA LHQ đã tổ chức họp kín theo yêu cầu của các nước thành viên châu Âu và Mỹ. Các nước thành viên châu Âu, Mỹ và Mexico đề xuất đưa ra một tuyên bố chung hối thúc chính quyền chuyển tiếp Sudan thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch bảo vệ công dân. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối từ các nước thành viên châu Phi cũng như Ấn Độ, Nga và Trung Quốc - những nước kêu gọi tôn trọng chủ quyền của Sudan.
Tại cuộc họp, đa số các nước thành viên HĐBA LHQ đều lên án các vụ xung đột gần đây tại Dafur. Nhiều nước thậm chí còn cho rằng chính quyền chuyển tiếp ở Sudan phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại đây thay thế Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ và Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) - lực lượng chấm dứt 13 năm hoạt động tại đây từ ngày 31/12/2020.
Theo kế hoạch, UNAMID sẽ tiến hành rút 8.000 binh sĩ và nhân viên dân sự khỏi Dafur trong 6 tháng. Tuy nhiên, UNAMID dự kiến sẽ duy trì sự hiện diện tại Sudan thông qua một phái bộ chính trị tại Darfur nhằm hỗ trợ thời kỳ chuyển giao chính trị tại nước này.
Sudan hiện trải qua giai đoạn chuyển tiếp đầy bất ổn kể từ tháng 4/2019 sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Hiện chính quyền dân sự mới thiết lập đang nỗ lực ổn định những khu vực chìm trong nội chiến nhiều thập kỷ qua. Hồi tháng 10/2020, chính phủ đã ký một thỏa thuận hòa bình với các nhóm nổi dậy chính, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột tại những vùng chiến tranh, trong đó có cả vùng Darfur. Chỉ có 2 nhóm nổi dậy chính không tham gia thỏa thuận này, trong đó có một nhóm có ảnh hưởng tại bang Darfur.
Tới nay, dù cuộc xung đột chính ở Sudan đã hạ nhiệt nhưng các vụ đụng độ sắc tộc vẫn thường xuyên nổ ra, chủ yếu giữa những người Arab du mục và nhóm các nông dân định cư người thiểu số không phải người Arab. Trong khi các lực lượng nổi dậy đều đã cam kết hạ vũ khí, lịch sử xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến các loại vũ khí trở nên phổ biến trên cả vùng phía Tây rộng lớn của Sudan, cùng với đó là những chia rẽ sắc tộc khó hòa giải. Riêng vùng Darfur đã rơi vào bất ổn và xung đột nghiêm trọng từ năm 2003, khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tình trạng bạo lực tại vùng này hiện vẫn là vấn đề an ninh nan giải. Nguyên nhân đụng độ chủ yếu vì tranh chấp đất đai và nguồn nước.