Theo báo Telegraph, trong cuộc hội đàm trực tuyến sáng 1/2 (theo giờ London), Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã chính thức đề nghị với những người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và Bộ trưởng phụ trách thương lượng CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura về việc nước này gia nhập Hiệp định CPTPP. Động thái trên diễn ra 1 năm sau khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trên trang mạng Twitter cá nhân, Bộ trưởng Liz Truss nêu rõ: “Tham gia CPTPP sẽ tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Anh, mà đơn giản là chúng tôi không thể có được khi còn trong EU, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của Anh với một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới… Trở thành thành viên CPTPP sẽ giúp hạ thấp thuế quan đối với các nhà sản xuất ô tô, rượu mạnh và mang lại cho các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi cơ hội tiếp cận tốt hơn, tạo ra những công ăn việc làm chất lượng cao, sự thịnh vượng lớn hơn cho người dân ngay tại Anh và giúp Anh xây dựng lại hệ thống thương mại toàn cầu tốt hơn”.
Theo giới quan sát, việc gia nhập Hiệp định CPTPP là bước đi mang tính then chốt trong kế hoạch của Chính phủ Anh định vị quốc gia châu Âu này là trung tâm của một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do hiện đại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kim ngạch thương mại của Anh với các nước thành viên CPTPP năm 2020 đạt 111 tỷ bảng Anh, tăng khoảng 8%/năm kể từ 2016. Bà Liz Truss cho biết các cuộc đàm phán để Anh gia nhập CPTPP sẽ được khởi động trong vài tháng tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sau khi rời EU, Anh đang thiết lập các mối quan hệ đối tác mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân. Ông nhấn mạnh: "Việc đăng ký gia nhập CPTPP thể hiện quyết tâm của Anh muốn hợp tác với bạn bè và đối tác trên khắp thế giới trong điều kiện tốt nhất, đồng thời đóng góp và ủng hộ tích cực nền thương mại tự do toàn cầu".
Trước đó, giới chức Nhật Bản, quốc gia vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của CPTPP từ Mexico trong năm 2021, để ngỏ khả năng mở rộng số thành viên của nhóm. Ngày 5/1, Nhật Bản và Mexico đã nhất trí phối hợp thực thi một cách hiệu quả Hiệp định CPTPP, đồng thời ủng hộ việc tăng thêm số thành viên của hiệp định thương mại tự do có 11 nước tham gia này.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc họp tại Mexico, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã nhấn mạnh với người đồng cấp nước chủ nhà Marcelo Ebrard rằng Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ để duy trì và tăng cường khuôn khổ kinh tế tự do và rộng mở này.
Nhật Bản dự kiến sẽ giữ vai trò chủ trì các cuộc đàm phán để mở rộng số thành viên của nhóm. Ngoài Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây đã bày tỏ quan tâm tới việc gia nhập CPTPP, trong khi các quan chức Nhật Bản vẫn đang quan sát chặt việc liệu Mỹ có quay trở lại hiệp định này dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden hay không. Mỹ chính là một trong những quốc gia khởi xướng Hiệp định CPTPP, song sau khi lên cầm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này vào đầu năm 2017.
CPTPP là thỏa thuận dỡ bỏ phần lớn thuế quan giữa 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Những phân tích kinh tế trước đó của Chính phủ Anh cho thấy các thỏa thuận thương mại bổ sung sẽ tạo ra một sự thúc đẩy nhỏ đối với sản lượng kinh tế. Theo London, việc gia nhập CPTPP sẽ loại bỏ các loại thuế đối với thực phẩm, đồ uống và xe hơi, đồng thời giúp thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ.