Theo tờ Independent, lãnh đạo và nguyên thủ các nước trên thế giới dự kiến tập trung tại Tu viện Westminster để tham gia một sự kiện trang trọng với quy mô hiếm được chứng kiến trong những thập kỷ gần đây. Tổng thống Mỹ Biden ngày 9/9 xác nhận ông sẽ tham gia tang lễ song chưa thông báo lịch trình cụ thể.
Từ giờ cho đến khi tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II, mỗi ngày, hàng nghìn cảnh sát sẽ túc trực ở thủ đô để giữ trật tự đám đông tụ tập bên ngoài Cung điện Buckingham và Công viên St. James gần đó khi họ tới để bày tỏ sự kính trọng đối với nữ hoàng đã khuất.
Nick Aldworth, người từng phụ trách chính sách chống khủng bố quốc gia Anh nghỉ hưu hồi tháng 5/2019, nhận định lễ tang của Nữ hoàng diễn ra trong một thế giới “đang phải đối mặt với những mối đe dọa rất khác” so với thời khi Công nương Diana và Hoàng thái hậu Elizabeth qua đời.
“Đây sẽ là chiến dịch an ninh lớn nhất mà nước Anh từng triển khai. Chỉ cần một chiếc ô tô, một người làm điều gì đó khủng khiếp, mọi người sẽ bị thương và thiệt mạng”, vị chuyên gia lý giải.
Những diễn biến mới nhất xảy ra vài tháng sau khi một người đàn ông mang theo một cung tên được cho là đã đến Lâu đài Windsor và đe dọa giết Nữ hoàng. Năm 2017, một người ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mang theo kiếm đã tìm cách thực hiện hành động tấn công khủng bố tại Cung điện Buckingham.
Owen West, một cảnh sát trưởng về trật tự an ninh công cộng đã nghỉ hưu, cho biết cảnh sát sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo người dân có thể bày tỏ nỗi đau buồn một cách an toàn.
“Ngày nay, đám đông lớn là mối đe dọa tiềm tàng, dễ xảy ra các hành vi thù địch, do đó, cần phải đánh giá rủi ro và đưa ra các các biện pháp kịp thời giúp bảo vệ người dân trước nguy cơ đó”, ông Owen cho hay.
Các con đường đã bị phong tỏa để tạo thành các hàng rào an toàn xung quanh các địa điểm tập trung đông đúc. Các tay súng bắn tỉa cũng sẽ được bố trí trên các sân thượng để bảo vệ đám rước. Trên mặt đất là những đội tuần tra thay phiên ca trực để không có khoảng trống sơ hở.
Một phát ngôn viên cảnh sát Anh cho biết yêu cầu hỗ trợ lẫn nhau gần như chắc chắn sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Trung tâm Điều phối Cảnh sát Quốc gia sẽ sắp xếp quá trình điều động sĩ quan từ các nơi khác tới London phục vụ chiến dịch an ninh.
Người phát ngôn nói thêm: “Chiến dịch Cầu London dự kiến kéo dài từ 10 đến 14 ngày, với sự hỗ trợ của các lực lượng trên khắp Vương quốc Anh và sử dụng nhiều đơn vị có chức năng khác nhau. Do tính chất của chiến dịch này, nhiều đơn vị cảnh sát và đặc nhiệm sẽ được huy động để hỗ trợ Sở cảnh sát Thủ đô”.
Người phát ngôn của Hội đồng Cảnh sát Quốc gia cho biết: “Lực lượng cảnh sát lên sẵn kế hoạch nhằm đảm bảo họ sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch này, bên cạnh vai trò giữ an toàn cho cộng đồng”.
Chiến dịch Cầu London là mật danh chỉ kế hoạch những gì sẽ diễn ra sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Kế hoạch này được xây dựng từ những năm 1960 và đã được đánh giá, cập nhật trong hàng chục năm qua.
Chuyên gia Aldworth bày tỏ lần đầu tiên ông được biết tới đến chiến dịch này là cách đây 20 năm song giờ đây, các phương án đối phó với các mối đe dọa đã thay đổi.
Mối đe dọa khủng bố chính hiện tại đối với Anh là “những con sói đơn độc”, sử dụng phương tiện và dao thay vì bom hay các âm mưu phức tạp.
Ông Aldworth cho biết đám đông cũng như những người tham gia có chức sắc có thể trở thành các mục tiêu tiềm tàng. Vị chuyên gia chỉ ra trong một sự kiện đông người đến vậy, cảnh sát không có cơ hội để phân biệt người tốt kẻ xấu. Chính vì vậy, trước khi tang lễ được tổ chức, cảnh sát sẽ phải được bố trí sẵn bên ngoài những vị trí then chốt, bao gồm ga tàu điện, công viên hoàng gia và các tòa nhà ở của gia đình hoàng tộc tại London.
"Cảnh sát sẽ hiện diện khắp nơi, đặc biệt ở Westminster và các khu vực xung quanh Cung điện Buckingham và công viên St James. Một lượng lớn cảnh sát sẽ ứng trực trong thời gian này để đảm bảo an toàn cho những người tới London và ngăn chặn bất kỳ hành vi phạm tội tiềm tàng nào”, Stuart Cundy, Phó trợ lý Cảnh sát trưởng London, nhấn mạnh.