Anh có nguy cơ thiệt hại gần 30 tỷ USD do dịch COVID-19

Ngày 26/8, Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC) cho biết nền kinh tế Anh sẽ thiệt hại khoảng 22 tỷ bảng (29 tỷ USD) trong năm nay do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động đi lại trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại nhà ga Stratford, phía Đông London (Anh). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo báo cáo của WTTC, chi tiêu của du khách quốc tế có thể giảm 78% so với năm 2019, tương đương với 60 triệu bảng Anh/ngày (79 triệu USD/ngày). Các du khách đang tránh đến Anh do có nhiều rủi ro liên quan đến lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu. WTTC ước tính trong trường hợp xấu nhất, gần 3 triệu lao động trong ngành du lịch tại Anh có nguy cơ mất việc làm.

Trong quý II vừa qua, tăng trưởng kinh tế Anh đã giảm 20%, nhiều hơn bất cứ quốc gia châu Âu láng giềng nào khác, khi lệnh phong tỏa đẩy nền kinh tế này vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Du khách e ngại khi tới Anh do quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh gần đây còn tái áp đặt lệnh cách ly đối với những ai trở về từ một số nước gồm Áo, Croatia, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha.

WTTC khẳng định ngành du lịch của thủ đô London chịu ảnh hưởng nặng nhất do có tới 85% chi tiêu của khách du lịch tại thành phố này từ du khách nước ngoài. Chủ tịch WTTC Gloria Guevara cảnh báo tình trạng khách du lịch quốc tế giảm mạnh sẽ khiến kinh tế Anh thiệt hại tới 22 tỷ bảng và mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Điều này cũng sẽ đe dọa vị thế của London là một trong những trung tâm kinh doanh và giải trí hàng đầu thế giới. Trước tình hình này, bà Guevara kêu gọi thay thế các biện pháp cách ly hiện nay bằng các chương trình xét nghiệm và truy vết nhanh chóng, toàn diện, và hiệu quả tại các cửa khẩu trên cả nước.

Trong khi đó, Cơ quan Du lịch Anh dự báo đại dịch COVID-19 sẽ khiến số du khách nước ngoài giảm 73% xuống còn 11 triệu người trong năm 2020.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ xem xét các biện pháp bổ sung để ngăn nền kinh tế nước này chìm sâu vào suy thoái. Đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang sẵn sàng triển khai gói chi tiêu khác nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19.
Trả lời phỏng vấn, khi được hỏi liệu Nhật Bản có bổ sung thêm biện pháp nới lỏng tiền tệ đi kèm với các gói chi tiêu mới hay không, Chánh Văn phòng Suga đã nêu bật tầm quan trọng của việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản phối hợp với chặt chẽ với chính phủ trước khi hành động. Ông nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc làm sao để hỗ trợ kinh tế không bị suy thoái nghiêm trọng hơn.
Ngày 17/8 vừa qua, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế nước này, theo đó trong quý II, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm tới 27,8% so với quý trước đó, chủ yếu do tác động của dịch COVID-19. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của kinh tế Nhật Bản kể từ khi thống kê số liệu GDP vào quý II/1980.

Đặng Ánh (TTXVN)
Ngành du thuyền thế giới trở lại ra sao sau đại dịch COVID-19?
Ngành du thuyền thế giới trở lại ra sao sau đại dịch COVID-19?

Thách thức được đặt ra đối với ngành du thuyền trên thế giới hiện nay là làm cách nào để khôi phục một cách an toàn và hiệu quả, trong khi thuyết phục du khách quay trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN