Anh doạ rời EU nếu ông Juncker trở thành Chủ tịch EC

Báo Đức "Tấm gương" (Der Spiegel) ngày 1/6 dẫn các nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) nói rằng Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo London sẽ rời EU nếu ứng cử viên Jean-Claude Juncker trở thành Chủ tịch EC.
   
Theo báo trên, Thủ tướng Cameron đưa đưa ra cảnh báo này bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels vừa qua trước nhiều quan chức châu Âu, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trước đó bóng gió bày tỏ ủng hộ ông Juncker. Thủ tướng Anh cho rằng việc cựu Thủ tướng Luxembourg trở thành Chủ tịch EC sẽ gây bất ổn cho chính phủ của ông và như vậy một cuộc trưng cầu theo kế hoạch của Anh về quy chế thành viên EU sẽ phải được xúc tiến.

Thủ tướng Anh David Cameron doạ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ rút khỏi EU. Ảnh: DPA


Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Cameron rút khỏi đảng Nhân dân châu Âu (EPP) từ năm 2009. Ông Cameron cũng là người phản đối ông Juncker trở thành Chủ tịch EC, coi ứng cử viên này là người quá "thiên hướng liên bang" và thay vào đó, ông ủng hộ một ứng cử viên có khuynh hướng cải cách. Ông Cameron được báo Đức dẫn lời nói: "Một gương mặt của những năm 1980 sẽ không thể giải quyết được các vấn đề trong 5 năm tới".

Theo báo Đức, phát biểu của ông Cameron ám chỉ rằng những tranh luận phải tiến hành cuộc trưng cầu ủng hộ Anh rời khỏi EU sẽ tăng lên khi ông Juncker trở thành Chủ tịch EC. Trước đó, ông Cameron cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu nêu trên vào cuối năm 2017 nếu chính phủ của ông tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Tuy nhiên, đầu tuần trước, Thủ tướng Cameron đã bác bỏ những kêu gọi xúc tiến cuộc trưng cầu này sau khi đảng Bảo thủ cầm quyền của ông bị thất bại trước đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) có quan điểm chống EU và Công đảng đối lập trong cuộc bầu cử địa phương ở Anh.
   
Tuyên bố đe doạ nêu trên của Thủ tướng Anh có thể đã mang lại hiệu quả khi Thủ tướng Merkel bất ngờ lên tiếng doạ sẽ bỏ phiếu chống lại ông Juncker, người mà cuối tuần trước bà đã công khai ủng hộ vào vị trí lãnh đạo EC. Theo bà Merkel, cuộc bỏ phiếu tại EP cho ông Juncker sẽ là lời "tuyên bố chiến tranh" và Berlin sẽ cùng lãnh đạo một số nước khác trong EU tìm cách giành "thiểu số chống" đối với ông này.

Trong khi đó, theo báo Đức "Hình ảnh Chủ nhật" (Bild am Sonntag), Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nằm trong số lãnh đạo EU phản đối ông Juncker và ông Hollande muốn một người Pháp nắm vị trí Chủ tịch EC, có thể là cựu Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovici.

   
Theo một cuộc thăm dò tại Đức trước cuộc bầu cử EP, có tới 78% số người Đức được hỏi ủng hộ ứng cử viên của đảng giành nhiều ghế nhất trong EP sẽ trở thành Chủ tịch EC. Bản thân ông Juncker cũng cho biết đã được "đa số rộng rãi" các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ. Theo kế hoạch, Hội đồng châu Âu sẽ thông báo ứng cử viên Chủ tịch EC vào cuối tháng này và EP sẽ tiến hành bỏ phiếu trong tháng 7.


Mạnh Hùng



Anh: Nga vẫn là một thách thức với châu Âu
Anh: Nga vẫn là một thách thức với châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond tuyên bố cuộc khủng hoảng tại Ukraine là một "lời nhắc hữu ích" rằng Nga vẫn là một "thách thức" đối với châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN