Dự luật này nhằm đảm bảo sự liên kết giao thương chặt chẽ giữa 4 vùng của nước Anh là England, Wales, Scotland và Bắc Ireland thời hậu Brexit từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, chính London từng thừa nhận dự luật này có điều khoản vi phạm Thỏa thuận Brexit đã ký với Liên minh châu Âu (EU) trước đó. Phía EU cũng từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về dự luật này và đề nghị Anh xem xét sửa đổi hoặc rút dự luật nếu không sẽ dùng đến biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề.
Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được trình lại lên Hạ viện Anh vào tuần tới. Việc chính phủ Anh vẫn kiên quyết thúc đẩy để Hạ viện thông qua dự luật gây tranh cãi này có thể gây thêm khó khăn cho tiến trình đàm phán tự do thương mại giữa hai bên.
Đàm phán giữa Anh và EU đang diễn ra tại London trong bối cảnh sắp đến ngày 31/12, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và Anh chính thức rút khỏi EU. Trao đổi thương mại hằng năm giữa hai bên đạt gần 1.000 tỷ USD sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu hai bên không đạt được thỏa thuận sau thời hạn chót. Sau hơn 8 tháng đàm phán, giữa Anh và EU còn một số bất đồng, trong đó có vấn đề tạo sân chơi bình đẳng, trợ cấp của nhà nước và đánh bắt cá. Trong một phát biểu ngày 2/12, trưởng phái đoàn đàm phán của EU Michel Barner cho biết các bên đang làm việc khẩn trương, tuy nhiên triển vọng thu hẹp khác biệt vẫn chưa rõ ràng. Theo ông Barner, thành bại của cuộc đàm phán sẽ được quyết định vào cuối tuần này.
Về phía Anh, một quan chức cấp cao của chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận, dù rằng vẫn chuẩn bị cho phương án đàm phán kết thúc mà không đạt kết quả. Trong khi đó, ngày 2/2 chủ mục phân tích chính trị của BBC, bà Laura Kuenssberg, dẫn một số nguồn thạo tin cho biết tiến trình đàm phán giữa Anh-EU "hiện có đủ tiến triển để có thể kết thúc trong vài ngày tới". Bà Kuenssberg dẫn lời một đại sứ cho biết có thể hy vọng hai bên sẽ hoàn tất thỏa thuận trong ngày 4/12.