Tổng số ca tử vong tại Anh hiện đã vượt 50.000 ca, cao hơn tất cả các nước khác tại châu Âu, và đứng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Người phụ trách y tế tại Cơ quan Y tế Quốc gia (NIS) tại England, ông Stephen Powis cho biết: "Rõ ràng là tỷ lệ nhiễm đang tăng lên và điều quan trọng là phải giảm tỷ lệ này, qua đó giảm số ca tử vong và sức ép đối với các bệnh viện". Liên quan đến việc phong tỏa, ông cho rằng "không nên dừng biện pháp trên vào lúc này", đồng thời kêu gọi người dân đi xét nghiệm và tiến hành cách ly nếu cần. Tuần trước, Thủ tướng Boris Johnson đã yêu cầu England tái áp đặt phong tỏa một tháng.
Tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Phố Downing ngày 12/11, Bộ trưởng Kinh doanh Alok Sharma kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch, nhấn mạnh: "Virus vẫn còn, và vẫn là mối nguy hiểm". Ông Sharma cũng thông báo 2,2 tỷ bảng (2,89 tỷ USD) sẽ được chuyển đến các hội đồng địa phương trong ngày 13/11 để giúp chi trả cho các doanh nghiệp địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm bảo vệ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Trong một diễn biến liên quan, Anh đã gia hạn thêm 14 ngày quy định cấm đi lại tới Đan Mạch. Theo đó, công dân Anh, những người có thị thực và thường trú nhân được phép trở về Anh trực tiếp hoặc gián tiếp qua Đạn Mạch nhưng sẽ phải cách ly cùng toàn bộ người thân trong gia đình trong 14 ngày kể từ ngày cuối cùng họ có mặt ở Đan Mạch.
Quy định trên dược đưa ra trong bối cảnh tuần trước, Đan Mạch thông báo đột biến gene của virus SARS-CoV-2 đã lây từ chồn sang người và làm 12 người nhiễm bệnh ở miền Bắc nước này, đồng thời cảnh báo việc này có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của bất kỳ loại vaccine nào trong việc phòng COVID-19. Nước này đã yêu cầu giết thịt khoảng 17 triệu con chồn.
* Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex ngày 12/11 cho biết số người phải nhập viện đã cao hơn thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 4, đồng thời tuyên bố sẽ chưa nới lỏng lệnh phong tỏa lần thứ 2 trong ít nhất 2 tuần tới. Theo ông Castex, hiện có hơn 32.000 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị trong các bệnh viện, cứ 30 giây lại có thêm 1 bệnh nhân nhập viện và cứ 3 phút lại có một ca phải đưa vào khu điều trị tích cực. Hiện 4.789 ca đang phải điều trị tích cực.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Castex nhấn mạnh: "Làn sóng thứ hai đặc biệt nghiêm trọng... Sẽ là vô trách nhiệm nếu nới lỏng lệnh phong tỏa hiện nay. Những kết quả (mà chúng ta đang được chứng kiến) rất mong manh”. Ông Castex cho rằng nếu tốc độ gia tăng các ca bệnh mới chậm lại, Pháp sẽ vượt qua đỉnh dịch của làn sóng thứ hai. Ngược lại, nếu tốc độ lây lan dịch bệnh gia tăng một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ Pháp sẽ không do dự áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Ifop, có tới hơn 1/2 số người được hỏi cho biết đã vi phạm các quy định trong lần phong tỏa thứ hai. Thăm dò cho thấy 60% đã ít nhất 1 lần vi phạm quy định, như bịa ra một lý do để được ra ngoài hoặc vẫn tụ tập với người thân và bạn bè. Tỷ lệ này cao hơn so với đợt phong tỏa thứ nhất kéo dài 6 tuần hồi tháng 3-4 (chỉ 40%).
Hiện Pháp ghi nhận hơn 42.000 ca tử vong, riêng trong ngày 12/11 có 329 ca mới. Theo thống kê, COVID-19 giờ là nguyên nhân gây ra 1/4 số ca tử vong tại quốc gia châu Âu này.