Trao đổi với báo giới ngày 16/2, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các lệnh ngừng bắn tạm thời để chủng ngừa cho hơn 160 triệu người dân có nguy cơ tại các khu vực xung đột như Yemen, Nam Sudan, Somalia và Ethiopia. Ông nêu rõ: "Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức để hành động và sự cấp thiết chiến lược để cùng nhau đánh bại virus SARS-CoV-2".
Ngoại trưởng Raab cũng cho biết sẽ hối thúc các thành viên LHQ chung sức hỗ trợ việc tiếp cận công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ bùng phát tại những khu vực mà người dân chưa được chủng ngừa. Điều này có nguy cơ đe dọa tới phần còn lại của thế giới khi làm bùng phát những làn sóng dịch mới. Ông nhấn mạnh: "Việc bao phủ tiêm chủng toàn cầu là điều thiết yếu để đánh bại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19".
Anh hiện giữ chức Chủ tịch HĐBA trong tháng này. Nước này đã cam kết cung cấp 762 triệu USD để hỗ trợ vaccine cho các nước đang phát triển thông qua cơ chế COVAX - chương trình phân phối công bằng vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết nước này sẽ nêu quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận các vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Theo ông, trái ngược với các nước sản xuất vaccine ngừa COVID-19 có tỷ lệ tiêm chủng rất cao, chỉ số này tại các nước Mỹ Latinh và Caribe lại thấp hơn rất nhiều.
Trước đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết nước này phải nhập khẩu các liều vacine từ châu Âu thậm chí khi các chế phẩm này cũng được sản xuất tại Mỹ. Ông nhấn mạnh Mexico muốn đảm bảo không có tình trạng tích trữ vaccine và cần có một nguyên tắc công bằng để tất cả các quốc gia có thể tiêm chủng cho các công dân.
Theo kế hoạch, trong ngày 17/2, Ngoại trưởng Anh Raab sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến của HĐBA LHQ để thảo luận về mối đe dọa mà hơn 160 triệu người dân tại các khu vực bất ổn và xung đột đang phải đối mặt. Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward thừa nhận rằng việc thực hiện nghị quyết trên của HĐBA sẽ là một "thách thức lớn về mặt chính trị, logistic và kinh phí". Một số quốc gia, trong đó có hai thành viên HĐBA là Trung Quốc và Nga, cùng với một số quốc gia Vùng Vịnh, đã phát động các sáng kiến "ngoại giao vaccine" để gia tăng hình ảnh trên toàn cầu hoặc tạo điều kiện cho việc tiếp cận dễ dàng hơn các liều vaccine. Tuy nhiên, bà Woodward vẫn nhấn mạnh cần có sự hợp tác toàn cầu vì lợi ích cửa tất cả các nước, khẳng định "không một ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn".