Khi đưa vợ đi sinh con đầu lòng, Lewis nhận được tin vợ của anh cần phải sinh mổ gấp. Lewis không hề chuẩn bị cho điều này. Người đàn ông 35 tuổi kể lại với tờ Guardian (Anh): “Nó thật kinh khủng. Tôi không biết điều gì đang diễn ra và bản thân cũng chẳng làm được gì ngoài việc chờ đợi và theo dõi khi tính mạng của vợ và con đang trong nguy hiểm”. Một giờ sau đó, anh đón con trai đầu lòng. Cả vợ và con trai của Lewis đều khỏe mạnh nhưng những ký ức đó vẫn luôn tồn tại trong tâm trí anh. Khi trở về nhà, vì vợ vẫn trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật nên Lewis phải một mình chăm con.
Lewis chỉ được ngủ chập chờn mỗi tối, phải thay bỉm liên tục. Anh thấy khi vợ cho con bú, họ thực sự gắn kết. Còn bản thân anh gặp khó khăn trong kết nối với con trai. Lewis buồn sâu sắc, như thể anh có gì đó bất thường. Sau đó Lewis phát hiện anh mắc các triệu chứng của tình trạng trầm cảm sau sinh. Điều vẫn chưa được chú ý ở các ông bố.
Đài BBC (Anh) cho biết có ước tính rằng khoảng 10% các ông bố mắc chứng trầm cảm trong năm đầu tiên sau khi có con.
David Levine là một bác sĩ nhi khoa ở New Jersey (Mỹ). Năm 2013, con trai anh chào đời và cũng từ đó Levine thấy tức giận và thất vọng. Giống như nhiều trẻ sơ sinh khác, con của Levine cần thời gian để thích nghi với thế giới bên ngoài. Nhưng với Levine, dường như con trai anh đã khóc không ngừng. Levine cảm thấy bản thân đã thất bại và con trai anh khóc vì không thích bố.
Levine yêu trẻ con, anh rất vui khi vợ mang thai và sinh con. Thời điể vợ gặp khó khăn trong việc cho con bú, Levine có thể sử dụng kiến thức y tế của mình để giúp. Lúc này Levine cảm thấy bản thân có hữu ích. Nhưng rồi vai trò của anh thay đổi. Anh không còn là bác sĩ mà phải làm một ông bố. Và khi những nhiệm vụ của việc làm cha mẹ như dỗ con trai ngừng khóc trở thành thách thức, Levine nghĩ đó là lỗi của mình. Levine nhận ra mình mắc trầm cảm sau sinh nhưng một năm sau đó anh mới chia sẻ về điều này với vợ.
Grant Blashki, cố vấn của tổ chức sức khỏe tâm thần Australia Beyond Blue, cho biết: "Mặc dù nhận thức của cộng đồng về các bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh ở phụ nữ đã tăng lên, nhưng đó là một hiện tượng ít được nhận ra ở nam giới".
Và một nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2022 với sự tham gia của 30.000 cặp vợ chồng từ 15 quốc gia, cho thấy rằng cứ 100 gia đình thì có 3 gia đình, cả cha và mẹ đều bị trầm cảm sau sinh cùng một lúc.
Các triệu chứng có xu hướng khác nhau ở các ông bố và bà mẹ. Những ông bố mắc trầm cảm sau sinh nhiều khả năng có hành vi trốn tránh – chẳng hạn như làm việc nhiều giờ hơn hoặc dành thêm thời gian với điện thoại. Họ có nhiều khả năng lạm dụng rượu, thiếu quyết đoán, cáu kỉnh hoặc tự chỉ trích bản thân.
Bác sĩ Sharin Baldwin tại một cơ sở y tế tại London vào năm 2016 đã phỏng vấn 21 nam giới về trải nghiệm khi có con. Bà nhận thấy nhiều trong số các ông bố này đề cập đến sự mệt mỏi khi quay trở lại làm việc và vẫn phải chăm con ở nhà cũng như khó khăn khi phải tách khỏi con.
Bác sĩ Baldwin nhận định hỗ trợ thực sự quan trọng đối với các ông bố: “Nếu nam giới không có mạng lưới xã hội để nói chuyện hoặc chia sẻ cảm xúc, họ có thể cảm thấy lạc lõng và sau đó mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn”.
Các chuyên gia đánh giá thay đổi trong văn hóa công sở với việc khuyến khích các ông bố dành thời gian nghỉ thai sản sẽ tạo ra khác biệt. Các ông bố tuy không phải hồi phục về mặt thể chất như các bà mẹ sau sinh nhưng họ cũng cần có thời gian để thích nghi.
5 năm sau khi đón con trai đầu lòng, Lewis và vợ có thêm con. Anh chia sẻ: “Tôi yêu hai con rất nhiều. Ngay cả khi có những thời điểm thật khó khăn thì chúng vẫn là phần tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi”.