Anh kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân

Ngày 4/12, Chính phủ Anh đã dừng việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cũ của nước này do lo ngại kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0 của Công đảng có nguy cơ làm tăng giá và gây ra tình trạng thiếu điện.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân Hartlepool. Ảnh: Reuters

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, thông báo cho biết 4 nhà máy điện hạt nhân do tập đoàn EDF của Pháp sở hữu sẽ được kéo dài thời gian hoạt động thêm 2 năm, sau khi đánh giá an toàn về khả năng duy trì hoạt động của chúng. Cụ thể, Heysham 1 ở Lancashire và nhà máy điện Hartlepool ở Teesside đều được lên kế hoạch đóng cửa vào năm 2026 nhưng hiện sẽ tiếp tục hoạt động cho đến tháng 3/2027. Cả hai đều đã hoạt động từ năm 1983. Heysham 2, cũng ở Lancashire, và Torness, ở East Lothian, dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2028 nhưng hiện sẽ vẫn hoạt động cho đến năm 2030. Hai nhà máy này được xây dựng sau Heysham 1 và Hartlepool 5 năm.

Bốn nhà máy điện hạt nhân được giữ nguyên được thiết kế vào những năm 1960 và tạo ra khoảng 15% điện năng của Anh.

Hoan nghênh kế hoạch duy trì hoạt động của các nhà máy hạt nhân, Bộ trưởng Miliband cho biết đây là chiến thắng lớn cho nền độc lập năng lượng của nước Anh. Ông cũng kêu gọi ủng hộ cho các dự án điện hạt nhân mới, điều đóng vai trò quan trọng trong việc “cai nghiện” nhiên liệu hóa thạch của Anh.

Quyết định tăng cường sử dụng các nguồn điện không liên tục như gió và Mặt Trời của Anh đã khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào điện nhập khẩu từ nước ngoài thông qua các bộ kết nối ngầm dưới biển. Gió yếu khiến cho Anh phải nhập khẩu tới 14% điện từ châu Âu. Lo ngại về nhu cầu vượt quá nguồn cung cũng thúc đẩy kích hoạt kế hoạch chống mất điện tạm thời, yêu cầu các công ty điện lực đưa các nhà máy điện chạy bằng khí ra khỏi chế độ "ngủ đông" trong trường hợp cần thiết.

Phong Hà (TTXVN)
Điện hạt nhân có thể cứu sống hàng triệu người nhờ giảm ô nhiễm không khí
Điện hạt nhân có thể cứu sống hàng triệu người nhờ giảm ô nhiễm không khí

Theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), việc hạn chế phát triển điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl năm 1986 đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN