Báo cáo dài 50 trang, đề cập đến các hoạt động can thiệp của Nga về tấn công mạng, chiến dịch truyền thông sai sự thật, gây ảnh hưởng thông qua các tỉ phú người gốc Nga sinh sống, hoặc có dự án đầu tư tại Anh. Hai điểm nhấn nổi bật nhất là cáo buộc Nga can thiệ trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 và bầu cử 2017 tại Anh.
Tài liệu cũng đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém của Anh trong việc ngăn chặn các bước thâm nhập ảnh hưởng của Moskva, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan an ninh, tình báo, mà nổi bật là của cơ quan tình báo đối nội (MI5) trong bối cảnh các cơ quan tình báo phương Tây xác định Anh là “mục tiêu then chốt” tại phương Tây.
Báo cáo được xây dựng từ cuối năm 2019, nhưng bị trì hoãn công bố sau khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng “không có bằng chứng” về Nga can thiệp vào tiến trình dân chủ tại Anh.
Nga đã lên tiếng phản đối báo cáo mới của Anh. Hãng thông tấn Tass dẫn lời Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày tuyên bố Moskva không bao giờ can thiệp vào các tiến trình bầu cử, hay trưng cầu dân ý, ở bất cứ một nước nào và sẽ không khoan dung trước các âm mưu can thiệp này.