Anh quyết dựa vào vaccine, thuốc kháng chứ không đóng cửa khi COVID-19 lan mạnh

Chính phủ Anh đã bác bỏ những lời kêu gọi áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, giãn cách. Thay vào đó, chính quyền đặt cược vào vaccine và thuốc kháng COVID-19 để ngăn chặn dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh.

Chú thích ảnh
Cổ động viên xếp hàng vào sân vận động xem bóng đá tại Anh. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 20/10 khẳng định “lớp phòng vệ đầu tiên” vẫn là tiêm chủng vaccine và thuốc kháng virus. Ông cũng cho biết Chính phủ Anh đã ký các thỏa thuận đặt mua 730.000 liệu trình thuốc kháng COVID-19.

Ông Javid thừa nhận các bệnh viện tại Anh đang phải chịu sức ép lớn từ bùng phát số ca mắc mới, đồng thời khẳng định chính quyền sẽ làm mọi việc để sức ép này không vượt khỏi giới hạn chịu đựng và không để xảy ra tình trạng quá tải đối với Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) – mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại Anh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh cũng tuyên bố chính phủ sẽ không thực hiện “Phương án B” ở thời điểm hiện tại. Theo ông, nếu người dân không chịu đi tiêm ngừa vaccine, không tự nguyện đeo khẩu trang, không làm xét nghiệm và không thực hiện giãn cách trong hoạt động ở không gian mở, đại dịch có thể sẽ diễn biến tồi tệ hơn. Đó là lúc các quy định về hạn chế tiếp xúc sẽ được áp dụng trở lại.

Trong chiến dịch tại Anh, “Phương án B” được hiểu là tình huống dự phòng, sẽ được đưa ra áp dụng nếu số ca mắc mới tăng vọt, vượt quá ngưỡng chịu đựng đối với NHS. Nó bao gồm các nhóm giải pháp như đeo khẩu trang bắt buộc trong nhiều hoạt động, khuyến khích làm việc từ xa, kích hoạt “chứng nhận vaccine” trong tham gia hoạt động xã hội, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức…

Phát biểu của ông Javid được đưa ra tại thời điểm nhiều người lên tiếng yêu cầu chính phủ hành động mạnh tay hơn bằng các lệnh hạn chế. Ông Matthew Taylor, người đứng đầu NHS Confederation - đại diện dịch vụ y tế công ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, cho biết các bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ quá tải vào mùa Đông và chính phủ cần hành động, cần kích hoạch tức thời “Phương án B” của chiến lược tổng thể trước nguy cơ khủng hoảng mùa đông. Ông thậm chí còn đề cập cả tới “Phương án C” nếu biện pháp trên không đủ sức ngăn chặn.

Theo ông Taylor, việc các lãnh đạo y tế kêu gọi chính phủ hành động đồng nghĩa với việc ngành đang gặp vấn đề trong những khâu chủ chốt, trong đó có việc đảm bảo thời gian chờ trong khoa cấp cứu, thời gian đáp ứng nhu cầu cấp cứu và giải quyết số bệnh nhân đang chờ điều trị. Ông Taylor cũng kêu gọi sớm áp dụng biện pháp khi nền kinh tế vẫn được duy trì, thay vì đợi đến khi tình hình trở nên tồi tệ và cần đến những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch bệnh tại Anh đang diễn biến phưc tạp, với số ca mắc mới và tử vong tăng lên ngưỡng từng ghi nhận hồi tháng 3 vừa qua. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có 136 ca tử vong vì COVID-19, con số cao nhất kể từ tháng 3. Số ca mắc mới trung bình là trên 45.000 ca/ngày, trong khi số ca phải nhập viện cũng tăng 12% so với tuần trước đó, lên 7.891 ca.

Nguyên nhân chính được cho là bùng phát dịch lớn diễn ra ở nhóm trẻ em, cùng với đó là mức suy giảm hiệu lực phòng vệ của vaccine ở những người đã hoàn tất tiêm chủng hơn 6 tháng trước. Chính quyền vùng England cũng chậm triển khai mũi tiêm tăng cường cũng như tiêm ngừa với trẻ vị thành niên.

Tiến sĩ Jenny Harries - người đứng đầu Cơ quan Y tế Anh (HAS), nhìn nhận chiều hướng gia tăng các ca nhiễm mới là đáng quan ngại, số liệu cập nhập cho thấy một bức tranh bất thường và đáng lo ngại về hình dạng của đường dịch bệnh. Còn theo ông Javid, số ca mắc có thể lên mức 100.000 ca/ngày.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh khẳng định vaccine cùng với thuốc kháng COVID-19 đang chờ cấp phép vẫn là “lớp phòng ngự hàng đầu” khi virus có thể còn tồn tại trong dài hạn và luôn là nguy cơ thường trực. Theo ông Javid, chính phủ đã đặt mua 730.000 liệu trình thuốc kháng COVID-19, trong đó có 480.000 liệu trình thuốc Molnupiravir của Merck và 250.000 liệu trình thuốc ritonavir do Pfizer nghiên cứu, phát triển. Đây là hai loại thuốc kháng chứng minh hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng, nhưng đang chờ phê duyệt cấp phép khẩn cấp.

Kwasi Kwarteng – Bộ trưởng Kinh doanh trong chính phủ Anh, cũng chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Javid, khi nói rằng lệnh đóng cửa là điều chính phủ Anh không tính tính đến ở thời điểm hiện tại. “Điều mà chúng ta mong muốn là kiểm soát tình hình. Chúng ta không muốn quay trở lại với đóng cửa”, ông Kwarteng phát biểu trên kênh BBC.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Financial Review, BBC)
So sánh hai biến thể phụ của chủng Delta ở Ấn Độ và Anh
So sánh hai biến thể phụ của chủng Delta ở Ấn Độ và Anh

Cùng là các biến thể phụ của chủng Delta nhưng Delta Plus không tác động mấy tới Ấn Độ, còn AY.4.2 lại đang khiến Anh điêu đứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN