Văn bản thỏa thuận là kết quả cuộc đàm phán 17 tháng ròng căng thẳng EU và Anh, sẽ được chuyển cho Quốc hội Anh và sau đó là Nghị viện châu Âu để phê chuẩn trước khi có hiệu lực ngày 29/3/2019, thời điểm nước Anh chính thức "dứt áo ra đi".
Hội nghị thượng đỉnh EU bất thường về Brexit diễn ra chớp nhoáng trong một buổi sáng 25/11, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. EU 27 nước hẳn hài lòng khi đạt một thỏa thuận bảo toàn được lợi ích và tôn trọng các "ranh giới đỏ" như sự toàn vẹn của thị trường nội địa, quyền của các kiều dân, sự tôn trọng các cam kết tài chính từ phía Anh và tránh được một đường biên giới cứng tại đảo Ireland.
Thỏa thuận cho phép EU giảm thiểu được ảnh hưởng do Brexit gây ra cho các quốc gia thành viên, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân EU. Với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, nhấn mạnh thỏa thuận đạt được là "điều duy nhất có thể", các nhà lãnh đạo EU đã chuyển một thông điệp không thể rõ ràng hơn cho những người vẫn còn gièm pha thỏa thuận tại Anh cũng như ảo tưởng về việc đàm phán một thỏa thuận khác.
Về phần nước Anh, có thể nói Thủ tướng Anh Theresa May gần như đã "đặt cược" cả tương lai chính trị của mình khi nỗ lực kêu gọi nội các Anh thông qua, cũng như người dân Anh ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận Brexit này, xem đây là một quyết định mang lại những lợi ích tốt nhất cho đất nước. Thủ tướng Anh nhiều lần khẳng định thỏa thuận sơ bộ đạt được với EU ngày 13/11 là "điều tốt nhất và duy nhất có thể".
Thực tế thì nữ Thủ tướng Anh đã không còn đường lùi bởi thời hạn Anh rời EU vào ngày 29/3/2019 đã tới quá gần. Trong bối cảnh nước Anh chia rẽ sâu sắc về Brexit, việc không đạt được thỏa thuận chia tay với EU chẳng khác nào một “ngón đòn hiểm”, một mặt gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Anh, vốn nằm trong số 3 đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm 13% thương mại hàng hóa và dịch vụ của khối, mặt khác làm xói mòn nghiêm trọng uy tín chính trị của bà May.
Để đi tới thỏa thuận này, Thủ tướng May đã phải nhượng bộ không ít trong các cuộc thương lượng với EU, hứng chịu khá nhiều “búa rìu” chỉ trích, bản thân nội các do bà đứng đầu cũng bị sứt mẻ khi hàng loạt bộ trưởng từ chức để phản đối chính sách Brexit của bà May.
Kết luận của Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 27 nước EU ngày 25/11 ghi rõ EU muốn thiết lập mối quan hệ hậu Brexit gần gũi nhất có thể với nước Anh. Trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier nhấn mạnh hai bên vẫn sẽ là "đồng minh, đối tác và bạn bè". Tuy nhiên, bên cạnh hài lòng về kết quả đạt được, các nhà lãnh đạo EU cũng bày tỏ tâm trạng hối tiếc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đều chỉ rõ đây là khoảnh khắc đáng buồn và sự kiện này là "một bi kịch", tương tự như những gì giới chức EU đã nói vào ngày 24/6/2016, khi cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý đã lựa chọn rời khỏi mái nhà chung EU, hay ngày 29/3/2017, khi nước Anh chính thức kích hoạt "cuộc chia tay" không thể đảo ngược giữa hai bên.
Về mặt nào đó, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này cũng giúp Thủ tướng Anh trong nhiệm vụ nặng nề đang đợi bà phía trước, đó là việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận vào giữa tháng 12 tới, trong khi còn xa mới được như sự hứa hẹn ban đầu của những người ủng hộ Brexit là "giành lại quyền kiểm soát" cho nước Anh. Có vẻ những tuyên bố và hành động của giới lãnh đạo EU là ngầm biểu đạt một tuyên ngôn: "Đây là thời điểm để tất cả mọi người có trách nhiệm", mà ở đây “quả bóng trách nhiệm” đã được chuyền cho Quốc hội Anh, nơi chắc chắn là cửa ải khó khăn nhất của Thủ tướng May và thỏa thuận Brexit.
Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận vào giữa tháng 12 tới, và căn cứ tình hình chính trị tại Anh hiện nay thì kết quả của cuộc bỏ phiếu này vẫn còn là một ẩn số khó lường, số phận của thỏa thuận vẫn còn rất bấp bênh. Trong trường hợp thỏa thuận được phê chuẩn thì sau ngày 29/3/2019, Anh rời khỏi EU, nhưng trên thực tế nước này vẫn tiếp tục tham gia vào thị trường chung, tự do đi lại, đóng góp ngân sách nhưng không tham dự ra quyết định. Lúc này Anh và EU bắt đầu đàm phán về mối quan hệ tương lai.
Dù các nhà lãnh đạo EU và Chính phủ Anh đã đạt được một thỏa thuận về việc ra đi có trật tự, nhưng bóng đen của một Brexit "cứng" vẫn luôn hiện hữu. Lãnh đạo 27 nước EU lo ngại kịch bản đầu năm 2016 có thể lặp lại, lúc đó dù EU đã nhượng bộ nhiều trước chính phủ của cựu Thủ tướng David Cameron với hy vọng người dân Anh sẽ lựa chọn ở lại, song đa số cử tri nước này đã bỏ phiếu chọn Brexit.
Trong trường hợp Quốc hội Anh từ chối thỏa thuận, tùy theo tiến triển của tình hình, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ sẵn sàng tại bất cứ thời điểm nào để công bố kế hoạch về các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, không một quan chức nào của EU đề cập đến vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa diễn ra.
Trường hợp sau đêm định mệnh 29/3/2019 mà vẫn không có thỏa thuận, Anh sẽ trở thành một nước thứ 3 đối với EU và luật pháp EU sẽ ngừng áp dụng tại Anh. Công dân EU sống ở Anh không được hưởng các quyền lợi như trước. Thương mại giữa Anh và EU sẽ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới. Một loạt tác động xấu sẽ xảy ra như các hãng hàng không Anh sẽ không thể hạ và cất cánh trong không gian EU; bằng cấp và chứng chỉ nghề nghiệp của Anh không được công nhận tại EU; người tiêu dùng đột ngột mất quyền chuyển vùng điện thoại miễn phí tại Anh; các dự án được Quỹ châu Âu tài trợ sẽ lập tức bị ảnh hưởng…
Nếu tình huống rối loạn đó xảy ra, mỗi bên sẽ đưa ra các biện pháp ứng phó của mình riêng mình. EU dự kiến sẽ thông qua một loạt quy định để giảm thiểu những xáo trộn ghê gớm trong các lĩnh vực thiết yếu như vận chuyển hàng không, tài chính, hải quan hay giao thông đường bộ. Song song với đó, mỗi nước thành viên cũng đưa ra những biện pháp riêng để ngăn ngừa các ảnh hưởng bất lợi với nước mình. Phía Anh chưa công bố kế hoạch nào cho khả năng này, nhưng các biện pháp khẩn cấp chắc chắn sẽ được đưa ra để giảm thiểu các nguy cơ trầm trọng như giá đồng bảng sụt giảm hay thực phẩm, thuốc men khan hiếm tăng giá.
Tuyên bố của lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn về thỏa thuận Brexit sơ bộ, gọi đây là "một bước nhảy vào bóng tối", đã báo hiệu về tính cam go của “cuộc đấu” sắp tới tại Quốc hội khi thỏa thuận được đưa ra xem xét. Bản thân đảng Bảo thủ của bà May cũng chia rẽ sâu sắc, trong khi liên minh của đảng này là đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland (DUP) đã tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận. Số phận của thỏa thuận sơ bộ cũng như tương lai mối quan hệ Anh-EU cho tới nay vẫn chưa thể ngã ngũ. Và dù gì đi chăng nữa, trong trường hợp Anh ra đi mà không có thỏa thuận, các cuộc đàm phán giữa EU và Anh sẽ phải được khởi động để hai bên cố gắng cùng nhau giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất.