Anh sẵn sàng chi 40 tỷ euro cho Liên minh châu Âu để thanh toán các phí tổn cho việc nước này rời EU. Ảnh: Telegraph |
Báo Sunday Telegraph số ra ngày 5/8 dẫn một số nguồn tin chính phủ Anh đã tiết lộ thông tin trên trong bối cảnh vòng đàm phán thứ 3 về giữa Anh và EU về Brexit sẽ bắt đầu từ cuối tháng 8 này và các nhà đàm phán đang hết sức nỗ lực để đạt một thỏa thuận từ nay đến cuối năm 2018.
Theo tờ Telegraph, giới chức Anh đang xem xét sẽ đưa ra đề xuất về một thỏa thuận giai đoạn chuyển tiếp, mà trong đó, mỗi năm Anh sẽ trả cho EU khoảng 10 tỷ euro và thời gian chi trả là 3 năm cho đến sau khi Anh rời "ngôi nhà chung châu Âu" vào tháng 3/2019.
Bài báo nhấn mạnh việc Anh chấp thuận chi ra số tiền này là để đổi lấy quyền lợi được tiếp tục tiếp cận thị thường đơn lẻ của châu Âu. Đây cũng là lần đầu tiên phía Anh đưa ra một con số trên "hóa đơn" thanh toán cho Brexit.
Trong khi đó, cho đến nay, Trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier vẫn từ chối công khai khoản tiền mà EU yêu cầu Anh bồi thường do Brexit. Tuy nhiên, ông Barnier khẳng định đây là vấn đề mà Anh và EU cần giải quyết thấu đáo trong giai đoạn đầu đàm phán về Brexit, dự kiến kết thúc vào tháng 10/2017 - thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU.
Trước đó, các hãng phương Tây tiết lộ con số này lên tới 100 tỷ euro, bao gồm các khoản đóng góp mà Anh đã cam kết cho các dự án đang được triển khai của EU, quỹ lương hưu và các chi phí khác.
Nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU đã là một trong những chủ đề chính được hai bên thảo luận tại vòng đàm phán thứ 2 hồi trung tuần tháng 7 tại Brussels, tuy nhiên, hai bên mới chỉ dừng lại ở việc bày tỏ quan điểm riêng về vấn đề này chưa chưa có bất cứ thỏa thuận nào.
Giới phân tích hiện vẫn tỏ ra ít lạc quan về triển vọng vòng đàm phán thứ 3 giữa 2 bên, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 này, do lập trường của Anh và EU còn rất khác biệt.
Phái đoàn EU khẳng định rằng đàm phán cần phải đạt được "tiến bộ đầy đủ" trên các nội dung về thanh toán tài chính, quyền công dân và vấn đề biên giới với Ireland trước khi chuyển sang các vấn đề cốt lõi bàn về mối quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai.
Trong khi đó Anh muốn nhanh chóng thỏa thuận được về mối quan hệ thương mại với EU hậu Brexit, bởi quan ngại nếu không thể đạt được thỏa thuận, các mối quan hệ thương mại của nước này sau đó sẽ lệ thuộc và chịu sự chi phối theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, khiến cả Anh và EU phải gánh các loại thuế và sẽ mất đi rất nhiều lợi thế cạnh tranh.