Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), ông Sunak cho biết: "Chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine phát triển lực lượng không quân cần thiết cho tương lai, với việc Anh đào tạo phi công Ukraine bắt đầu từ mùa hè này", đồng thời khẳng định Hội nghị đã tạo ra một bước đột phá thực sự.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người cũng có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp các khóa huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã thông báo với những người đồng cấp G7 rằng Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung trong việc đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16, để tiếp tục củng cố và cải thiện năng lực của Không quân Ukraine.
Tuy nhiên, ông Sullivan nói thêm rằng thời điểm thích hợp để đưa F-16 vào tham chiến ở Ukraine "không phải lúc này".
Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden đã đồng ý cho các đồng minh chuyển giao F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine sau gần một năm cân nhắc.
Dự kiến, chương trình huấn luyện sẽ được tiến hành tại châu Âu và cần nhiều tháng để hoàn thành. Giới chức Mỹ ước tính khoảng thời gian ngắn nhất cần để huấn luyện sử dụng và chuyển giao F-16 là 18 tháng.
Cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, Yuri Sak, mới đây cũng cho biết nước này hy vọng sẽ nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào cuối tháng 9 tới đây.
Về phần mình, Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột càng kéo dài, đồng thời các loại vũ khí này sẽ trở thành “những mục tiêu quân sự hợp pháp” của Moskva.