Báo này dẫn lời một nguồn tin thân cận với ông Sunak cho biết ông muốn đưa ra luật đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của Anh và luật này sẽ đi tới giới hạn xa nhất của luật pháp quốc tế khi Anh vẫn nằm trong ECHR. Tuy nhiên, nếu luật này được ban hành và được các tòa án trong nước cho là hợp pháp, nhưng vẫn bị trì hoãn ở thành phố Strasbourg (Pháp), nơi đặt trụ sở Tòa án nhân quyền châu Âu thì Thủ tướng Sunak sẽ cân nhắc liệu việc ở lại ECHR có mang lại lợi ích lâu dài cho Anh hay không.
Các kế hoạch ngăn chặn di cư bất hợp pháp của Chính phủ Anh do Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman đề xuất chỉ cho phép người di cư nộp đơn kháng cáo sau khi họ bị trục xuất, bất kể họ đến từ đâu đó trong danh sách “các quốc gia an toàn” của Bộ Nội vụ. Nhiều khả năng luật mới của Anh sẽ bị Tòa án nhân quyền châu Âu phán quyết là bất hợp pháp. Ngoài ra, Liên hợp quốc trước đây cảnh báo những kế hoạch như vậy sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.
Các nhân vật cấp cao trong chính giới Anh cho rằng việc ông Sunak sẵn sàng rút Anh khỏi ECHR là động thái hướng tới cuộc tổng tuyển cử năm 2024, đồng thời đưa vấn đề này trở thành ranh giới rõ ràng giữa đảng Bảo thủ và Công đảng.
Các ước tính chính thức vừa được công bố cho thấy sẽ có khoảng 65.000 người di cư dự kiến đến Anh trong năm nay so với 45.000 người xin tị nạn vào năm 2022. Tuần trước, có thông tin tiết lộ rằng 250 người di cư bất hợp pháp đã đến từ Ấn Độ qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ chỉ trong tháng 1, vượt qua tổng số 233 người di cư trong 9 tháng đầu năm ngoái. Nếu xu hướng này tiếp tục, số người di cư có thể tăng lên 70.000-80.000 người trong năm nay.
Ông Sunak gần đây đã coi việc ngăn chặn di cư trên thuyền nhỏ qua eo biển Manche là một trong 5 cam kết đối nội cấp bách trên cương vị Thủ tướng và tuyên bố ý định “bắt giữ và trục xuất nhanh chóng” những người nhập cư bất hợp pháp.