Nhận định trên được đưa ra sau khi hãng dược AstraZeneca, liên doanh Anh-Thụy Điển, thông báo vaccine mà hãng này phối hợp với Đại học Oxford phát triển cho hiệu quả ngăn ngừa bệnh trung bình 70% khi thử nghiệm trên 23.000 tình nguyện viên.
Đây là loại vaccine thứ 3 thu được kết quả thử nghiệm khả quan sau các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Ưu điểm của loại vaccine này là có thể vận chuyển dễ dàng với nhiệt độ máy lạnh thông thường, tiện lợi hơn vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna cần phải được bảo quản trong điều kiện cực lạnh. AstraZeneca thông báo kế hoạch sản xuất tối đa 3 tỷ liều vaccine trong năm 2021 nếu vaccine được giới chức quản lý cấp phép.
Giám đốc Viện Jenner Adrian Hill cho biết theo lộ trình hiện tại, Anh sẽ đưa vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/ Oxford vào sử dụng từ tháng 12 tới. Trước đó, Giám đốc điều hành AstraZeneca Pam Cheng cho biết công ty hiện có đủ nguồn cung vật liệu để sản xuất và cung cấp vaccine cho Anh với số lượng là khoảng 20 triệu liều vào cuối năm 2020 và 70 triệu liều vào cuối tháng 3/2021. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm, Anh ghi nhận tổng cộng hơn 1,53 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 55.000 ca tử vong vì COVID-19, mức cao nhất tại châu Âu. Đến nay, Anh đã ký thỏa thuận mua 100 triệu liều vaccine của AstraZeneca, 40 triệu liều của Pfizer và 5 triệu liều của Moderna.
Hiện vaccine của AstraZeneca/ Oxford cũng được các đối tác của AstraZeneca sản xuất, trong đó có Viện Serum của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu. Cũng trong ngày 23/11, Viện Serum của Ấn Độ trên khẳng định ưu tiên bàn giao vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Oxford cho chính phủ nước này.
Cụ thể, Giám đốc điều hành của viện, ông Adar Poonawalla, cho biết hãng này tới nay đã sản xuất 40 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford và đến tháng 1/2021, sản lượng sẽ đạt tối thiểu là 100 triệu liều. Viện Serum của Ấn Độ hy vọng sẽ cung cấp khoảng 90% tổng số liều vaccine mà viện này sản xuất ra cho Chính phủ Ấn Độ với giái khoảng 250 rupee (3 USD). Hầu hết trong số 90% đó sẽ được cung cấp cho Chính phủ Ấn Độ và khoảng 10% sẽ đưa ra thị trường tư nhân với giá cao hơn, khoảng 1.000 rupee. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan trước đó cũng bày tỏ hy vọng sẽ có 250 đến 300 triệu người dân nước này được chủng ngừa vaccine phòng COVID-19 trước cuối tháng 9/2021. Những người được ưu tiên là những nhân viên y tế, các nhân viên tuyến đầu như cảnh sát, dân quân, người có độ tuổi trên 65... Hiện Ấn Độ là quốc gia chịu tác động mạnh thứ 2 trên thế giới với hơn 9,1 triệu ca bệnh, chỉ sau Mỹ với hơn 12,7 triệu ca.
Hồi tháng 8 vừa qua, Viện Serum của Ấn Độ đã đạt thỏa thuận với Liên minh Vaccine Gavi, cung cấp tối đa 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của 2 hãng AstraZeneca và Novavax của Mỹ. Theo Liên minh Gavi, với thỏa thuận trên, một khi các vaccine trên được cấp phép, Viện Serum sẽ tiến hành sản xuất vaccine để phân phối cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong nửa đầu năm 2021.