Theo phóng viên TTXVN tại London, xylazine - thường gọi là "tranq" - là thuốc an thần thú y nồng độ cao, được người nghiện ma túy sử dụng kết hợp với thuốc phiện như heroin và fentanyl để kéo dài thời gian phê thuốc. Người dùng thuốc này lâu dài thường bị tổn thương da không lành, vì vậy xylazine còn được gọi là ma túy "xác sống". Xylazine được cho có liên quan đến gần 3.500 ca tử vong ở Mỹ, và hiện đang "lan rộng" ở Anh. Chất này cũng đang được phát hiện người nghiện ma túy sử dụng kết hợp khi hút thuốc lá điện tử.
Theo luật mới, xylazine được phân loại là ma túy loại C, đồng nghĩa với việc người sở hữu chất này để sử dụng cá nhân sẽ bị phạt tù đến 2 năm, trong khi những người buôn bán xylazine sẽ chịu mức án lên đến 14 năm tù. Những loại thuốc bị cấm theo luật mới cũng bao gồm các dạng của nitazene, một loại ma túy tổng hợp gây nghiện cao, mạnh hơn heroin hàng trăm lần, do đó có nguy cơ gây quá liều rất ớn. Luật cũng đưa ra định nghĩa chung mới về nitazene nhằm ngăn các băng nhóm buôn ma túy điều chỉnh liều lượng trong thành phần hợp chất ma túy để lách luật.
Dự kiến luật mới sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 tùy thuộc vào quá trình phê duyệt của Quốc hội Anh. Thứ trưởng Nội vụ Anh, Diana Johnson, nhấn mạnh chính phủ không chấp nhận việc sử dụng những chất gây nguy hiểm đến tính mạng và cho phép các băng nhóm ma túy kiếm lợi từ việc bóc lột những người dễ bị tổn thương. Với những gì xảy ra ở các quốc gia khác khi việc lạm dụng những loại thuốc này mất kiểm soát, Anh sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên hành động và bảo vệ cộng đồng khỏi những loại thuốc mới nguy hiểm.
Theo một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu quốc gia về lạm dụng chất gây nghiện tại Đại học King's College (Anh), ít nhất 11 người ở Anh đã tử vong do lạm dụng xylazine kể từ ca tử vong đầu tiên của một người đàn ông 43 tuổi vào tháng 5/2022. Số ca tử vong do dùng xylazine quá liều ở Mỹ tăng từ 102 lên 3.4 ca trong 3 năm 2018-2021. Mỹ, Canada, và Mexico nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng zylazine, song đến nay chưa đưa ra lệnh cấm. Tuy nhiên, một số bang của Mỹ, trong đó có Florida, Illinois, Ohio, Pennsylvania và West Virginia, đã áp dụng lệnh cấm riêng.