Bộ Thương mại quốc tế Anh (DIT) cho biết những cảng tự do này sẽ được thiết lập tại các cảng biển và sân bay trên khắp đất nước sau Brexit. Đây sẽ là những trung tâm kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, giúp họ tránh được những đợt kiểm tra và thủ tục không cần thiết, đồng thời mang lại các lợi ích về thuế và hải quan. Điều này sẽ giúp các thành phố cảng và sân bay của Anh hưởng trọn vẹn được lợi ích những cơ hội hậu Brexit.
Chi tiết về cách thức các cảng và sân bay được chọn để tham gia quy chế trên sẽ sớm được thông báo. Bộ trưởng DIT Liz Truss nêu rõ Anh sẽ có chính sách thương mại độc lập sau khi rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới. Bà cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Ủy ban Tham vấn về cảng tự do để tạo nên những mô hình tiên tiến nhất trên thế giới và thiết lập các cảng tự do sớm nhất có thể. Thành viên của Ủy ban Tham vấn cảng tự do bao gồm các chuyên gia từ nhóm các cảng Anh, trung tâm cố vấn, các đại học và chính quyền địa phương.
Trong bối cảnh thời hạn chót về Brexit 31/10 đang tới gần, ngày 31/7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajit Javid đã bất ngờ công bố gói chi ngân sách trị giá 2,1 tỷ bảng Anh (tương đương 2,54 tỷ USD) hỗ trợ tiến trình nước này rời Brexit - mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10. Cùng với thông báo trên, Bộ Tài chính Anh công bố kế hoạch phân bổ gói chi ngân sách này, theo đó lập tức giải ngân 1,1 tỷ bảng Anh cho các lĩnh vực có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng do "Brexit cứng" 1 tỷ bảng Anh còn lại sẽ được chi cho các công tác chuẩn bị trong năm 2019 này trong trường hợp cần thiết.
Anh công bố gói chi ngân sách mới này tại thời điểm chỉ còn 3 tháng nữa là đến hạn chót Anh rời khỏi EU. Chính quyền của tân Thủ tướng Boris Johnson vẫn khẳng định mong muốn đạt được một thỏa thuận Brexit với EU. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh kiên quyết trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, Anh chắc chắn rời EU đúng ngày 31/10.