Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Gove nói: "Trong tuần tới, chúng tôi sẽ thí điểm các thủ tục xét nghiệm, tìm kiếm và truy vết mới ở Đảo Wight với kế hoạch triển khai chương trình một cách rộng rãi hơn sau đó trong tháng này".
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang tìm cách tối thiểu hóa nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai.
Cùng ngày, Chính phủ Anh cho biết đã ghi nhận thêm 315 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các bệnh viện, viện dưỡng lão và cộng đồng, đưa tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 28.446 người - cao thứ hai ở châu Âu sau Italy. Trong ngày 3/5, Anh còn phát hiện thêm 4.339 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 186.599 người.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 3/5, nước này ghi nhận thêm 1.9 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 210.717 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong tăng lên 28.884 trường hợp (tăng 174 ca). Có 1.740 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 81.654 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm ca xuống còn 1.501 ca.
* Theo Giáo sư Matthias Egger - người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm khoa học do Chính phủ Thụy Sĩ thành lập để phối hợp tư vấn và nghiên cứu về dịch bệnh COVID-19, nước này có thể phải tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trong 2 năm tới.
Trả lời phỏng vấn tuần báo NZZ am Sonntag ngày 3/5, Giáo sư Egger hy vọng, hoạt động tiêm chủng vaccine quy mô lớn có thể diễn ra trong vòng một năm. Tuy vậy, cho đến khi các bác sĩ có đầy đủ những câu trả lời về virus SARS-CoV-2, các biện pháp như giãn cách xã hội sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện trong nỗ lực duy trì hệ số lây nhiễm cơ bản "R0" (ước tính số ca nhiễm mới gây ra bởi một trường hợp mắc bệnh trước đó) ở mức dưới 1 - và do đó làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Didier Pittet - người đứng đầu chương trình kiểm soát nhiễm trùng tại Bệnh viện Đại học Geneva (HUG) - cho rằng, Thụy Sĩ đã cố gắng hạ thấp hệ số lây nhiễm "R0" ở nước này từ mức 3,8 khi bắt đầu dịch bệnh xuống còn 0,6 sau các biện pháp khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, theo ông Pittet, để ngăn chặn sự gia tăng đột biến khác, các biện pháp như giãn cách xã hội, rửa tay kỹ và đeo khẩu trang trong một số tình huống có thể là cần thiết trong dài hạn.
Thụy Sĩ đã quyết định nới lỏng thêm các quy định về phong tỏa. Theo đó, tất cả các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, bảo tàng và thư viện có thể mở cửa trở lại từ ngày 11/5. Các trường tiểu học, trung học cũng được phép mở cửa trở lại tùy theo quyết định của từng bang.
Ông Egger tin rằng, lợi ích kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong những quyết định nới lỏng các biện pháp trên, song bên cạnh đó, những hậu quả xã hội và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng phải được quan tâm xem xét.