Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) và Thủ tướng Anh Theresa May. Nguồn: thesun.co.uk |
Thông cáo ngày 8/7 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã nhấn mạnh quan hệ song phương giữa Anh và Trung Quốc cần được nuôi dưỡng trên nền tảng "củng cố lòng tin chiến lược".
Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, hai bên cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng, tìm kiếm điểm tương đồng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính và năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh London mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thế kỷ 21 giữa 2 nước, gắn liền với chỉ đạo chung về "thời kỳ vàng" trong quan hệ song phương.
Bà May nêu rõ Anh đánh giá cao những ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu đồng thời nhận định 2 nước có chung lợi ích trong nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Anh khẳng định London sẽ tập trung vào các cơ chế đối thoại cấp cao song phương, mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như thương mại, đầu tư, văn hóa và an ninh cũng như liên lạc chặt chẽ và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề nóng quốc tế và khu vực.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Anh hiện đang trong "thời kỳ vàng" nhờ sự liên kết mạnh mẽ về kinh tế. Trung Quốc cũng là một trong những đối tác ưu tiên của Anh trong việc ký thỏa thuận thương mại tự do song phương một khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh G20, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trong bài phát biểu trước các lãnh đạo thế giới, Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi G20 cần kiên trì xây dựng nền kinh tế mở, tạo thêm động lực mới cho kinh tế thế giới… nhằm tạo sự thịnh vượng chung.
Trong bài phát biểu với tựa đề "Kiên trì mở cửa, bao dung, thúc đẩy tăng trưởng", Chủ tịch Trung Quốc nhận định hiện nay kinh tế thế giới xuất hiện xu thế tốt lên, nhưng vẫn đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn, khó lường.
Đánh giá cao chủ đề "Định hình một thế giới kết nối" của hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực để biến quan điểm này thành hành động.
Để thực hiện điều này, ông Tập Cận Bình cho rằng cần kiên trì xây dựng nền kinh tế thế giới mở, đi theo con đường phát triển cùng có lợi, trong đó, cần ủng hộ cơ chế thương mại đa phương, thông qua đàm phán để tìm ra phương án giải quyết những thách thức chung.
Ngoài ra, cần tạo động lực mới cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số hóa và cách mạng công nghiệp; thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, tiếp tục kết hợp giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; tiếp tục hoàn thiện việc quản lý nền kinh tế toàn cầu, tăng cường kết nối chính sách vĩ mô, phòng chống rủi ro từ thị trường tài chính, thúc đẩy ngành tài chính phục vụ tốt hơn cho việc phát triển kinh tế.