Anh ủng hộ ‘liên minh hải quân’ đưa ngũ cốc Ukraine vượt phong tỏa Nga ở Biển Đen

Anh ủng hộ về nguyên tắc lời kêu gọi của Litva thành lập một liên minh hải quân nhằm khởi động lại hoạt động xuất khẩu của Ukraine qua các cảng bên Biển Đen đang bị Nga phong tỏa.

Chú thích ảnh
Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen, chặn hoàn toàn ngả xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của nước này ra thế giới. Ảnh: Atlanticcouncil

Theo tờ Guardian, Anh đã ủng hộ về nguyên tắc đề xuất của Litva (Lithuania) về một liên minh hải quân có nhiệm vụ hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine, vượt qua phong tỏa của Nga ở Biển Đen.

Trước đó, ngày 24/5, Ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis, đã đề xuất về kế hoạch nói trên trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Anh Liz Truss tại London.

“Thời gian đã rất rất gấp gáp. Chúng ta đang cận kề một vụ thu hoạch mới và không còn con đường thực tế nào khác cho xuất khẩu ngũ cốc ngoại trừ qua cảng Odessa ở Biển Đen”, ông Landsbergis phát biểu với tờ Guardian. “Không có cách nào để trữ loại ngũ cốc này và không có con đường thay thế thích hợp nào khác. Chúng tôi bắt buộc phải cho các quốc gia dễ bị tổn thương thấy rằng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để nuôi sống thế giới”.

Ngoại trưởng Landsbergis đề xuất rằng, một chiến dịch hộ tống hải quân - không phải do NATO điều hành - có thể bảo vệ các tàu chở ngũ cốc của Ukraine khi đi qua Biển Đen và vượt qua các tàu chiến Nga. Ông Landsbergis gợi ý rằng, ngoài Anh, các nước khác bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt ngũ cốc tiềm tàng như Ai Cập có thể thể cung cấp vai trò bảo vệ cần thiết.

“Những gì chúng ta đã thấy bây giờ mới chỉ là khởi đầu. Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra trong vòng 5 đến 7 tuần tới khi vụ thu hoạch đầu tiên đến và không còn nơi nào để trữ lương thực – điều có nghĩa là người dân ở Bắc Phi, Trung Đông và Đông Nam Á sẽ phải trả giá cắt cổ cho lúa mì, ngô và các hàng hóa khác mà họ cần cho thức ăn trên bàn”, Ngoại trưởng Litva nhận định.

Chú thích ảnh
Ngũ cốc do Ukraine sản xuất đang có nguy cơ phải đổ bỏ do không có kho trữ và hoạt động xuất khẩu bị đình trệ. Ảnh: Reuters

Ông Landsbergis nói rằng Ukraine cần xuất khẩu 80 triệu tấn lúa mì chỉ riêng trong năm nay, và lựa chọn duy nhất là đi qua cảng Odessa.

Kế hoạch do Ngoại trưởng Litva đề xuất sẽ đòi hỏi phải tiến hành rà phá thủy lôi ở các khu vực trên Biển Đen nhằm đảm bảo một tuyến đường thủy an toàn. Bên cạnh đó còn phải đạt được sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia “canh gác” lối vào Biển Đen ở eo Bosphorus.

Ông Landsbergis nói: “Đây sẽ là một sứ mệnh nhân đạo phi quân sự và không thể so sánh với vùng cấm bay. Trong nỗ lực này, tàu hoặc máy bay quân sự hoặc cả hai sẽ được sử dụng để đảm bảo rằng nguồn cung cấp ngũ cốc có thể rời Odessa an toàn và đến eo biển Bosphorus mà không có sự can thiệp của Nga. Chúng tôi sẽ cần một liên minh của những người sẵn sàng - các quốc gia có sức mạnh hải quân đáng kể để bảo vệ các tuyến đường hàng hải, và các quốc gia bị ảnh hưởng [bởi phong tỏa cảng và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine]”.

NATO với tư cách là một liên minh quân sự không nên đóng vai trò nào trong kế hoạch này, theo ông Landsbergis.

Sau khi gặp người đồng cấp Landsbergis, Ngoại trưởng Anh, Truss cho biết London muốn các tàu hải quân Anh tham gia hộ tống nếu việc thực hiện trên thực tế có thể sắp xếp, bao gồm rà phá thủy lôi trong cảng và cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tầm xa hơn để bảo vệ cảng Odessa khỏi các cuộc tấn công của Nga. London đang thảo luận với các đồng minh về kế hoạch này và có thể sẽ cần sự đồng ý của Mỹ trước khi nó được kích hoạt.

Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh: “Những gì chúng ta cần làm là đối phó với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu này và Anh đang thực hiện một giải pháp cấp bách để đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine”.

Chú thích ảnh
Bản đồ khu vực Biển Đen, nơi các cảng của Ukraine đã bị hải quân Nga phong tỏa.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo về "một cơn bão đói" nếu ngũ cốc Ukraine không được xuất khẩu. 41 quốc gia kém phát triển nhất thế giới nhập khẩu 1/3 lượng lúa mì tiêu thụ của họ từ Ukraine và Nga. Giá lương thực tăng vọt đã đẩy lạm phát ở Ai Cập lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2019.

Khi được hỏi về phản ứng của Anh đối với kế hoạch của mình, Ngoại trưởng Litva Landsbergis nói: “Từ quan điểm của tôi, chính phủ Anh quan tâm đến việc hỗ trợ Ukraine theo bất kỳ cách nào có thể. Vương quốc Anh đã thực hiện một số bước rất mạnh mẽ và quyết đoán trong cuộc khủng hoảng này và có thể có khả năng London sẽ tham gia [kế hoạch]. Anh là quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa để che chắn cho Odessa ”.

Ông cho biết Litva, một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine ở phía tây, đã xem xét kỹ lưỡng cách Ukraine sẽ xuất khẩu lương thực ra thế giới trong nhiều tuần qua. Ông Landsbergis cho rằng các tuyến thay thế như đường sắt qua Belarus hay đường bộ đến các cảng ở biển Baltic thuộc Ba Lan và Litva đều có những hạn chế nghiêm trọng. Việc tắc nghẽn và quá tải sẽ đồng nghĩa các xe chở ngũ cốc Ukraine sẽ phải mất từ 5-9 tuần để đến các cảng đường bộ ở Romania, Ba Lan hoặc Litva.

Ngoại trưởng Landsbergis thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã thận trọng với nguy cơ gây leo thang căng thẳng từ kế hoạch của Litva. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng với tư cách là một nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lợi ích riêng trong việc mở các tuyến đường được hải quân hộ tống nếu Nga không tự nguyện dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Guardian)
‘Kế hoạch Marshall’ cho Ukraine sẽ vận hành ra sao?
‘Kế hoạch Marshall’ cho Ukraine sẽ vận hành ra sao?

Phương Tây sẽ giúp tái thiết Ukraine sau xung đột với Nga, và họ có thể xem lại những bài học từ thập niên 1940.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN