Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Blackpool, Tây Bắc xứ England, với những dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương liên quan vấn đề Bắc Ireland đang dần tan băng. Đây là vấn đề đã làm rối loạn đời sống chính trị tại vùng Bắc Ireland và đẩy Anh vào thế đối đầu với cả Liên minh châu Âu (EU) và CH Ireland. Dấu hiệu rõ ràng nhất về việc hai bên đang quay lại thực thi cam kết giải quyết mâu thuẫn là việc Thủ tướng Sunak trở thành nhà lãnh đạo Anh đầu tiên tổ chức thượng đỉnh Hội đồng Anh-Ireland kể từ năm 2007.
Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Sunak quyết tâm tìm cách khôi phục mô hình nghị viện chia sẻ quyền lực tại vùng Bắc Ireland sớm nhất có thể. Mô hình này sụp đổ hồi tháng 2 sau khi phe ủng hộ Bắc Ireland là một phần của Vương quốc liên hiệp Anh quyết định không tham gia để bày tỏ phản đối Nghị định thư Bắc Ireland quy định về vấn đề thương mại hậu Brexit của vùng này.
Theo nghị định thư, để đảm bảo hòa bình tại Bắc Ireland, vốn tồn tại mâu thuẫn giữa 2 phe ủng hộ ở lại Anh và ủng hộ sáp nhập vào CH Ireland, vùng lãnh thổ này vẫn là một phần của liên minh thuế quan và thị trường chung EU sau khi Anh rời khối. Hai bên nhất trí tiến hành các thủ tục kiểm tra hàng hóa từ các phần còn lại của Anh tới Bắc Ireland để đảm bảo đáp ứng các quy định của EU. Việc triển khai nghị định thư đã gây ra bất đồng giữa EU, Ireland và Anh và thậm chí còn gây nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại EU-Anh.
Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh Anh-Ireland, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông đã công bố quyết định của Chính phủ Anh về việc lùi thời hạn tổ chức bầu cử tại Bắc Ireland. Về vấn đề nghị định thư Bắc Ireland, ông Sunak nhấn mạnh Anh ưu tiên một giải pháp thông qua đối thoại với EU, tìm kiếm thỏa thuận đảm bảo giải quyết tất cả các vấn đề mà việc triển khai nghị định thư gây ra đồng thời bày tỏ hy vọng của Anh về sự "linh hoạt và thực dụng".
Về phần mình, phía Ireland mô tả các cuộc thảo luận diễn ra trong tinh thần xây dựng. Thủ tướng Martin hy vọng các bên sẽ nhất trí về những giải pháp tháo gỡ mâu thuẫn liên quan nghị định thư Bắc Ireland và những nỗ lực khôi phục cơ chế điều hành chung tại vùng Bắc Ireland sẽ tiến triển.
Các chính phủ Anh và Ireland đóng vai trò là những bên đảm bảo cho Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành ký kết năm 1998 giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 tại vùng Bắc Ireland khiến khoảng 3.500 người thiệt mạng. Hội đồng Anh - Ireland bao gồm Anh, Ireland và các đại diện từ Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales cùng các vùng lãnh thổ Isle of Man, Jersey và Guernsey.