Thỏa thuận mà như phía Anh nhấn mạnh là “hiệp định quốc phòng quan trọng nhất giữa hai nước trong hơn một thế kỷ” dự kiến cho phép nước này triển khai lực lượng tại Nhật Bản. Thủ tướng Sunak nhấn mạnh: “Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã viết chương tiếp theo cho mối quan hệ giữa Anh và Nhật Bản, thúc đẩy, xây dựng và làm sâu sắc quan hệ giữa hai bên... RAA đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước, giúp củng cố các cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường các nỗ lực chung nhằm củng cố an ninh kinh tế’.
Tháng trước, Anh, Italy và Nhật Bản thông báo sẽ cùng phát triển máy bay phản lực, dự kiến sẽ sản xuất chiếc đầu tiên vào năm 2035, hợp nhất nghiên cứu tốn kém hiện có của 3 nước thành công nghệ chiến đấu trên không mới, từ khả năng tàng hình đến cảm ứng công nghệ cao.
Tại cuộc hội đàm ở London, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về việc Nhật Bản đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), các vấn đề thương mại, trong đó có khả năng Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngày 9/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida bắt đầu chuyến thăm tới các nước G7, tập trung thảo luận vấn đề an ninh. Chuyến thăm dự kiến kết thúc bằng cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/1.