Theo hãng tin Reuters, trong chuyến thăm London ngày 13/8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss về khả năng lãnh đạo của hai nước ký kết một tuyên bố liên quan lộ trình đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Về vấn đề này, quan chức Mỹ cho biết việc ký kết tuyên bố lộ trình đàm phán có thể sẽ diễn ra ngay tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Pháp trong tháng này. Về việc ông Bolton và Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid thảo luận khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời, bao trùm mọi lĩnh vực, theo quan chức Mỹ, thỏa thuận này có thể có hiệu lực khoảng 6 tháng.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh Sky News ngày 13/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson chia sẻ kinh nghiệm rằng các đối tác Mỹ là những nhà đàm phán cứng rắn nhưng Anh sẽ đạt thỏa thuận thương mại lớn với Mỹ, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành dịch vụ, tiến vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, ông Johnson còn khẳng định thỏa thuận thương mại quan trọng nhất mà Anh cần đạt được là với EU- các đối tác của Anh ở bên kia eo biển Manche.
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới. Thủ tướng Boris Johnson dù hy vọng đảm bảo một cuộc chia tay "êm thấm" với một thỏa thuận, nhưng khẳng định sẽ thực hiện Brexit đúng thời hạn sau hai lần trì hoãn dù có hay không có thỏa thuận với EU. Hiện Anh và EU chưa thể thông qua một thỏa thuận Brexit do thỏa thuận được hai bên ký kết hồi cuối năm ngoái không được Quốc hội Anh ủng hộ, trong khi phía EU từ chối đàm phán lại và khẳng định đây là thỏa thuận tốt nhất. Sự bế tắc này khiến Anh đối mặt với nguy cơ cắt đứt quan hệ với EU một cách đột ngột, không có giai đoạn chuyển tiếp hay một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý trong các lĩnh vực như thương mại, truyền tải dữ liệu và chính sách biên giới, khiến giới doanh nghiệp bất an.
Trong khi đó, một thỏa thuận thương mại rộng với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, luôn được phe ủng hộ Brexit nhắc đến như một "phần thưởng" lớn của Anh khi rời khỏi EU và được coi là công cụ "bọc lót" cho London trong trường hợp chịu thiệt hại vì gián đoạn thương mại với các thành viên EU. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc đạt thỏa thuận thương mại diện rộng sẽ không thể dễ dàng khi hai quốc gia vẫn tồn tại những vấn đề gai góc liên quan tới các tiêu chuẩn nông nghiệp khác biệt hay việc nhiều chính trị gia Anh phản đối sự gia tăng vai trò của các công ty dược phẩm Mỹ trong Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh.