Xác máy bay của Syria tại Hatay ngày 4/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Sputnik, ngày 4/3, các tay súng của liên minh Hồi giáo Ahrar al-Sham đã
bắn hạ một chiến đấu cơ MiG-23 của Không quân Syria. Các mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
Phi công lái máy bay đã nhảy dù khỏi máy bay gặp nạn. Phi công này được một nhóm cứu hộ tìm thấy và được đưa vào một bệnh viện ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Những thông tin này xuất hiện giữa lúc một lệnh ngừng bắn giữa Damascus và các phần tử nổi dậy Syria có hiệu lực từ ngày 30/12 năm ngoái, bất chấp các báo cáo vi phạm ngừng bắn.
Sau đó, Ankara cho biết sẽ thông báo trong những ngày tới liệu có giao nộp viên phi công cho Syria hay không. “Phi công đang được điều trị. Một kết luận sẽ được đưa ra sau khi toàn bộ vụ việc được làm sáng tỏ”, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli khẳng định với các phóng viên, và nói thêm rằng quyết định sẽ sớm được đưa ra.
Theo ông Ismail Hakki Pekin, nguyên Cục trưởng Cục Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định tích cực từ phía Chính phủ nước này sẽ trở thành bước đi đầu tiên trong bình thường hoá quan hệ giữa Ankara và Damascus. “Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không phải đang chiến tranh. Thổ Nhĩ ủng hộ phe đối lập Syria, chứ không phải đang chiến đấu với chính quyền Syria. Nếu hai nước chiến tranh thì sự trở lại của viên phi công sẽ rất phức tạp. Nhưng bởi Ankara và Damascus không có chiến tranh nên tôi không nghĩ sẽ có khó khăn gì trong việc này”, ông Pekin nhận định.
Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán là cần thiết trước khi phi công có thể được trả về nước, nhưng vấn đề hiện này là Ankara và Damascus không có quan hệ ngoại giao.
“Có lẽ, Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ có thể sẽ tham gia vào quá trình này. Nga cũng có thể tham gia với tư cách trung gian hoà giải. Có lẽ, Syria sẽ có một yêu cầu chính thức trực tiếp, nhưng đó là vấn đề bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ chối giao nộp phi công, thẩm vấn ông ta và sau đó trục xuất ông ta khỏi đất nước”, ông Pekin nói. Chuyên gia này lưu ý rằng viên phi công đã không phạm tội gì bởi ông ta tham gia vào một nhiệm vụ chiến đấu của Syria.
“Việc viên phi công trở về Syria sẽ trở thành môt bước tiến quan trọng trong việc bình thường hoá quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Điều này có thể đặt nền móng cho quá trình bình thường hóa song phương”, ông Pekin nói tiếp.
Gần đây, có thông tin các đơn vị của Lực lượng Dân chủ người Kurd Syria (SDF) đã trao quyền kiểm soát các khu vực gần Manbij cho Quân đội Syria. "Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một thời điểm tích cực. Trong bối cảnh này, việc giao trả phi công có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển quan hệ giữa Ankara và Damascus", ông Pekin cho biết.
Chuyên gia này tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai nước.
"Ankara và Damascus nên thiết lập mối quan hệ hợp tác đầu tiên ở Manbij và sau đó là vấn đề người Kurd. Điều này có thể giúp quân đội Syria tăng cường kiểm soát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và qua biên giới. Do đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải quyết vấn đề người Kurd bằng con đường ngoại giao, chứ không phải quân sự", ông Pekin kết luận.