Phát biểu trước báo giới ngày 31/1 khi ở thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói: “Điều quan trọng là NATO đã tiến ra mặt trận. Tổ chức đã ra một tuyên bố (gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ), khẳng định bất kì hành động vi phạm không phận nào của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là vi phạm không phận của NATO và sẽ được xử lý tương ứng. Chúng tôi đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao yêu cầu phía Nga giải thích vụ vi phạm này tới Tổng thư ký NATO… Đây cũng chính là đánh giá mà Tổng thống đã đưa ra ngay trong đêm 29/1. Chúng tôi thỏa mãn trước quan điểm của NATO về vấn đề này”.
Máy bay Su-34 của Nga tham gia chiến dịch không kích tại Syria. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Ankara cáo buộc một tiêm kích đa nhiệm Su-34 của Nga đã xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/1, bất chấp phi công nhiều lần được cảnh báo bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Ông Davutoglu cho biết, vụ việc xảy ra trên không phận dọc tuyến Mare-Jarrablus, khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân do Mỹ đứng đầu đang nỗ lực đẩy lui các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự cố này ra sau 2 tháng Ankara bắn hạ cường kích Su-24 của Nga. Mỹ và NATO cũng đã lên tiếng xác nhận vụ vi phạm mới nhất này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg yêu cầu Nga dừng ngay việc leo thang căng thẳng khi để máy bay vi phạm "không phận NATO".
Thủ tướng Davutoglu cũng cáo buộc học thuyết quân sự, chính trị hiện thời của Nga là hướng đến việc tái xác lập vị thế tại những khu vực mà Moskva đã đánh mất ảnh hưởng trong những năm 1990. Cụ thế, Nga đang tìm cách “phá” tầm nhìn hội nhập khu vực về kinh tế của Ankara thông qua chia rẽ Trung Đông bằng các cuộc xung đột sắc tộc, giáo phái. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo dõi sát các diễn biến, xử lý vấn đề này (vi phạm không phận) mà không để xảy ra nguy cơ - ông Davutoglu chia sẻ. Theo ông, vụ việc này sẽ cần phải được đánh giá kĩ lưỡng. Vi phạm xảy ra trên khu vực mà Quân đội Syria Tự do (FSA) đối lập hiện thắng thế trước IS. Đây cũng là nơi liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đang hỗ trợ FSA và “Nga không cần thiết xuất hiện ở đó”, vì sự hiện diện của Moskva gây ra nguy cơ đụng độ.
Trước đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chỉ trích vụ việc này là hệ quả của việc Moskva có ý kích động bất ổn tại khu vực vốn đã quá căng thẳng, đồng thời cảnh báo “Nga sẽ phải chịu hệ quả nếu tiếp tục vi phạm”. Ông này cũng cho biết Ankara đã đề xuất với phía Nga xúc tiến một cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, nhưng chưa nhận được hồi âm từ Moskva. Ngay sau sự cố, các căn cứ không quân lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt trong trạng thái “báo động cam”.
Về phần mình, Nga khẳng định Ankara đang cố dựng chuyện. “Không có bất kì máy bay Nga nào tham gia không kích ở Syria vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của phía Thổ Nhĩ Kỳ về vụ ‘đột nhập’ của chiếc Su-34 là hành vi tuyên truyền vô căn cứ”, Thiếu tướng Iror Konashenkov – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói. Ông cũng khẳng định, các trạm radar kiểm soát không phận của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể xác định được độ cao, đường bay, tốc độ bay, nhưng không thể nhận dạng được kiểu loại máy bay hay “quốc tịch” của thiết bị bay. Các trạm radar của Nga và Syria không ghi nhận được bất kì vụ vi phạm nào và không hề có tiếp xúc radio giữa không quân Thổ Nhĩ kỳ và Nga – tướng Konashenko tuyên bố.