Tuyên bố trên được Thủ tướng Alexander Schallenberg đưa ra cùng với thông báo quốc gia Trung Âu này bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 trong ít nhất 10 ngày kể từ 22/11.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, hiện Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để quy định tiêm vaccine bắt buộc nói chung có thể có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và quy định này chỉ miễn trừ cho những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe. Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng hiện vẫn chưa được xác định, nhưng chính phủ cho biết tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển thành án tù nếu không nộp phạt.
Phát biểu sau cuộc họp với đại diện các bang trong cả nước, Thủ tướng Schallenberg cho biết chính phủ đã thuyết phục nhiều tháng qua nhưng hiện số người đi tiêm vẫn chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng. Việc siết chặt các quy định như yêu cầu kiểm tra “hộ chiếu vaccine” và xét nghiệm virus đã bắt đầu mang lại kết quả nhưng vẫn chưa đủ để kiểm soát dịch bệnh. Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn có làn sóng dịch thứ 5, thứ 6 hay thứ 7”.
Áo đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ mắc COVID-19 vượt 990 ca/100.000 người trong 7 ngày. Riêng trong ngày 19/11, nước này ghi nhận thêm 15.809 ca nhiễm mới.
Cho đến nay, tỷ lệ tiêm chủng tại Áo là 66% (tiêm đủ 2 mũi), thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trong 2 tuần qua, chính phủ đã nỗ lực để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế bằng cách bắt buộc người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng, hoặc đã phục hồi trước khi vào các nhà hàng hay quán bar. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn cao do số người không tiêm quá nhiều.
Dự kiến, lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 12/12 nhưng có thể được đánh giá lại sau 10 ngày nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện. Các trường học sẽ vẫn mở cửa nhưng việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong lớp học và học sinh có thể chọn hình thức học từ xa nếu muốn. Tuy nhiên, đến ngày 12/12 tới, lệnh phong tỏa vẫn sẽ được dỡ bỏ đối với những người đã tiêm chủng, những người từ chối tiêm vẫn bị áp đặt lệnh này.
Bộ trưởng Y tế Áo Wolfgang Mückstein khẳng định: “Không ai muốn áp đặt phong tỏa, vì đó là một công cụ không mong muốn, nhưng nó là công cụ hiệu quả nhất mà chúng tôi có sẵn hiện nay”.
Việc tiêm phòng bắt buộc không phải là điều chưa từng có tiền lệ ở Áo. Năm 1948, Chính phủ Áo khi đó đã bắt buộc phải tiêm phòng bệnh đậu mùa theo luật. Đến năm 1980, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa là căn bệnh đầu tiên bị đánh bại nhờ tiêm chủng.