Phát biểu với đài truyền hình ORF, ông Karl Nehammer cho biết: "Hungary đã đảm bảo với chúng tôi rằng nước này sẽ bảo vệ biên giới một cách tốt nhất có thể, như Croatia". Hungary và Croatia là hai nước láng giềng của Áo. Những người người di cư tìm đường đi qua khu vực Balkan gần như chắc chắn phải đi qua một trong hai nước này để vào Áo. Ông Nehammer nhấn mạnh những người tìm cách vào Áo sẽ bị chặn.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, người có quan điểm cứng rắn về chính sách nhập cư, cam kết sẽ không để lặp lại kịch bản của năm 2015. Ông tuyên bố trong trường hợp cần thiết sẽ áp dụng hạn chế đi lại tại các khu vực biên giới giáp các nước láng giềng Balkan, như ông đã từng thực hiện năm 2016 để chặn người di cư từ Hy Lạp đổ vào Áo.
Dòng người di cư ồ ạt trong những ngày qua làm tái hiện cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu năm 2015-2016, khi đó Áo ở vị trí như một hành lang để hàng trăm nghìn người di cư đi qua Hy Lạp và các nước Balcan vào Đức.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/2 vừa qua tuyên bố sẽ cho phép người di cư vượt qua biên giới nước này vào châu Âu, bất chấp thỏa thuận năm 2016 với Liên minh châu Âu (EU) trong đó Ankara cam kết giữ người di cư ở trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra sau một vụ không kích ở Syria khiến 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Động thái này của Ankara được xem là nhằm gây sức ép để EU tăng cường hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ cuộc xung đột tại Syria.
Trong một tuyên bố ngày 1/3, ông Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đến nay đã có hơn 80.000 người di cư bất hợp pháp vượt qua biên giới phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu và con số này có thể còn tăng trong những ngày tới. Ông nhấn mạnh khủng hoảng nhân đạo, tình trạng mất nhà cửa do xung đột tại Syria không phải là vấn đề của riêng Thổ Nhĩ Kỳ mà của cả khu vực, châu Âu và toàn thế giới. Theo đó, ông Altun nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác "nhanh chóng và nghiêm túc" cũng như nỗ lực hết sức mình, song các nước cũng phải thể hiện quyết tâm về vấn đề này.
Theo các nguồn tin, hiện có hàng nghìn người tị nạn, gồm cả người Syria, Iraq, Iran và Pakistan, đã đổ về tỉnh Edirne ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vào châu Âu. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không ngăn người di cư đến châu Âu, những người này đã tập trung gần cửa khẩu biên giới Pazarkule. Trong 2 ngày qua, hầu hết người tị nạn bắt đầu vượt biên sang phía Hy Lạp qua sông Evros bằng tàu đánh cá hoặc xuồng hơi. Hiện có khoảng 1,5 triệu người đang mắc kẹt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép những người này đi qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ mà giữ chân họ ở phía Syria.