Trả lời phỏng vấn tờ Straubinger Tagblatt của Đức, nhà lãnh đạo Áo nêu rõ: "Chúng tôi, EU, đã đưa ra thời hạn chót rõ ràng và không có lý do gì kéo dài thời hạn đó".
Thủ tướng Kurz cũng nói thêm rằng việc lùi thời hạn chót chỉ có thể xảy ra khi tình hình tại Anh có những thay đổi. Tuy nhiên, theo ông, thực tế tại London không như vậy.
Cùng ngày, theo một nguồn tin của Điện Elysees, Pháp cho rằng hiện vẫn còn "quá sớm" để có thể thảo luận về việc tiếp tục trì hoãn Brexit. Paris yêu cầu London đưa ra "một kế hoạch rõ ràng" giải thích thỏa đáng lý do trì hoãn thêm một lần nữa.
Nguồn tin trên nhấn mạnh kế hoạch có thể được trình trong khoảng thời gian từ nay tới ngày 10/4 - thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU với nội dung chính là xem xét đề xuất mới của Anh.
Trong một tuyên bố cùng ngày bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Pháp, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định cả Anh và các nước thành viên khác trong EU đều không mong muốn kéo dài thời hạn Brexit. Ông khẳng định Chính phủ Anh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho bế tắc hiện nay.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng May đã đưa ra yêu cầu trì hoãn việc nước này rời khỏi EU đến ngày 30/6 tới nhằm tạo điều kiện cho Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận "ly hôn" với EU. Theo bà, nếu một thỏa thuận đạt được trước thời gian này, thì phía Anh đề xuất hạn chót khác để Brexit diễn ra sớm hơn.
Bà May nhấn mạnh Chính phủ Anh sẽ nhất trí về một kế hoạch cụ thể để phê chuẩn thỏa thuận Brexit, qua đó cho phép Anh rời khỏi EU trước ngày 23/5 tới, thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Đây là lần thứ 2 Anh đề xuất kéo dài thời hạn chót Brexit do nội bộ Anh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận Brexit, trong khi London vẫn kiên quyết muốn Anh rời khỏi EU cùng với một thỏa thuận để đảm bảo lợi ích của nước này.