Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình TF1, Thủ tướng Philippe mong muốn có một "chế tài" tương tự như quy định chống nạn côn đồ hooligan trong bóng đá, nhằm nghiêm cấm những kẻ gây bạo loạn trà trộn vào các cuộc biểu tình.
Đây cũng là yêu cầu của nhiều thành viên chính phủ, cần phải áp dụng những biện pháp "siêu nghiêm khắc" để đối phó với thực tế "siêu bạo lực" diễn ra mỗi cuối tuần trên khắp nước Pháp.
Chính phủ đang có kế hoạch dựa vào một đạo luật đã được Thượng viện thông qua ngày 23/10/2018, theo đó cho phép xây dựng hồ sơ những người bị cấm tham gia biểu tình.
Thủ tướng Philippe tuyên bố không thể chấp nhận những kẻ quá khích lợi dụng trà trộn vào các cuộc biểu tình để cướp bóc và đốt phá. Ông cũng cho biết sẽ huy động 80.000 nhân viên an ninh và cảnh sát trên cả nước, nhằm đối phó với các cuộc biểu tình vào ngày 12/1 tới.
Thượng nghị sĩ Bruno Retailleau, tác giả của dự luật trên, ngay lập tức đã hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Philippe. Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch chống bạo loạn của chính phủ.
Trước đó, ngày 7/1, trong lời chúc đầu năm gửi các lực lượng cảnh sát và hiến binh, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner đã đề cập đến một đạo luật mới về an ninh trước nạn bạo loạn đang có xu hướng lan rộng.
Theo ông, các cuộc biểu tình và phản đối chính quyền "đã thay đổi diện mạo" theo hướng "cực đoan hóa" do "bạo lực ngày càng tăng và có tổ chức". Ông nhấn mạnh đã đến lúc cần phải đổi mới và tăng cường các biện pháp giữ gìn trật tự xã hội, đồng thời áp dụng các biện pháp đó một cách "mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn".
Xuất phát từ làn sóng phản đối tăng thuế nhiên liệu, phong trào biểu tình "Áo vàng" tới nay đã bước sang tuần thứ tám liên tiếp. Những cuộc biểu tình sau đó tiếp tục lan rộng ra cả nước và trở thành phong trào phản đối vật giá leo thang cũng như chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.
Rất nhiều người cho rằng hoạt động biểu tình đang dần bị biến tướng và nhằm vào các doanh nghiệp lớn. Đây cũng được đánh giá là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất mà Tổng thống Macron phải đối mặt trong suốt 20 tháng cầm quyền vừa qua.
Dù ban đầu giữ quan điểm cứng rắn trước những yêu sách của phe "Áo vàng", nhưng tới giữa tháng 12, Chính phủ Pháp đã tuyên bố hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu và cam kết nâng lương tối thiểu cũng như giảm thuế với những người về hưu.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, khoảng 50.000 người đã tham gia biểu tình khắp nước Pháp chỉ riêng trong ngày 5/1, cao hơn tuần trước nhưng ít hơn so với con số 280.000 người hồi tháng 11/2018 kể từ khi phong trào “Áo vàng” nổ ra. Tính từ tháng 11 đến nay, cảnh sát đã bắt giữ 5.339 người biểu tình quá khích.