Theo tác giả, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20/8 đã công bố dự thảo sửa đổi thuế nhập khẩu bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc theo hướng thấp hơn so với mức áp thuế tạm thời hồi tháng Bảy vừa qua. Trước đó Mỹ áp thuế 100% đối với nhập khẩu xe điện của Trung Quốc.
EC chủ yếu nhắm vào ba nhà sản xuất ô tô lớn: SAIC Motor Corp, đối mặt với mức thuế bổ sung 36,3% bên cạnh mức thuế chung là 10% áp dụng với tất cả xe điện vào châu Âu hiện hành. Geely Automobile Holdings Ltd. với mức thuế 19,3% và BYD Co. với mức thuế 17%. Mức thuế trung bình đối với các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc là 21,3% và mức cao nhất đối với các nhà sản xuất được cho là không hợp tác là 36,3% trong bối cảnh EU và Trung Quốc vẫn đang đàm phán về tranh chấp thuế quan và Trung Quốc đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ý định của EU là bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong khu vực, đặc biệt là công nhân được trả lương cao và theo đuổi chương trình nghị sự xanh của riêng mình, đặc biệt là kế hoạch mà EU đã công bố về việc cấm ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035.
Tuy nhiên, có thể có một chiến lược đằng sau mức thuế này: EU muốn ngăn chặn sự lặp lại của kịch bản trong ngành năng lượng Mặt trời, trong đó các công ty Trung Quốc thay thế vị trí dẫn đầu của các công ty phương Tây.
Chính sách thuế quan trên khiến việc đạt được các mục tiêu trên trở nên khó khăn và có thể có tác động tích cực tới các thương hiệu xe điện của Trung Quốc, nhưng tác động tiêu cực đến việc EU thúc đẩy chuyển đổi xe động cơ đốt trong. Vào tháng 6/2024, xe điện của Trung Quốc chiếm 11,1% thị phần xe điện của EU, một mức cao kỷ lục được thiết kế để tránh thuế quan của EU được đưa ra vào tháng 7/2024. Mặc dù các tác động tiếp theo vẫn cần được theo dõi, nhưng thực tế cho thấy người tiêu dùng ở EU đang khao khát những chiếc xe điện giá cả phải chăng. Việc công bố chính sách thuế quan này thực sự đã nâng cao nhận thức về thương hiệu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Ngược lại, các nhà sản xuất xe điện nội địa của EU không thể cạnh tranh với lợi thế về chi phí của các thương hiệu Trung Quốc, vốn đã tạo ra chuỗi cung ứng hội nhập toàn cầu. Thuế quan sẽ khuyến khích các nhà sản xuất hàng đầu của Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất địa phương ở châu Âu. Mặc dù thuế quan đã làm tăng giá một cách giả tạo, nhưng sức hấp dẫn của xe điện Trung Quốc vẫn rất mạnh. Do đó, các "đại gia" ô tô châu Âu với sự lựa chọn hạn chế sẽ cần thiết lập quan hệ đối tác hoặc nhường chỗ cho các đối thủ cạnh tranh đó. Điều này đi ngược lại ý định "bảo vệ" của chính sách thuế quan này.
Cùng với việc giảm trợ cấp của EU cho người mua xe điện bán lẻ, tổng doanh số bán xe điện ở châu Âu bắt đầu giảm. Tại Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, số lượng đăng ký xe điện đã giảm 37% trong tháng Bảy. Tương tự, tại Thụy Điển, doanh số bán xe điện hàng tháng giảm 15%. Những con số này cho thấy sự quan tâm của thị trường đối với xe điện đang giảm dần, làm dấy lên hoài nghi về tham vọng của EU đối với việc cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035.
Với những yếu tố này, thuế quan sẽ cản trở tham vọng xanh của chính EU và trì hoãn tốc độ chuyển đổi năng lượng. Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể mất một thời gian để thiết lập các cơ sở sản xuất địa phương, trong khi các nhà sản xuất ô tô địa phương ở EU vẫn chưa đủ khả năng để theo kịp mức chi phí sản xuất thấp của các công ty Trung Quốc.