Vào cuối tuần này, hòn đảo Hawaii xinh đẹp sẽ là nơi Tổng thống Mỹ Barak Obama nghênh đón lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tới dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19. Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước chủ nhà đang đau đầu giải quyết khối nợ công khổng lồ và tình trạng thất nghiệp cao trên 9%, nước Mỹ vẫn muốn khẳng định tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại là chìa khóa để mang lại sự thịnh vượng.
Với chủ đề "Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại", Hội nghị APEC năm nay tập trung vào 3 nội dung ưu tiên gồm củng cố liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại, thúc đẩy tăng trưởng "xanh" và tăng cường đồng bộ chính sách. Ngoài ra, các nội dung hợp tác về kinh tế kỹ thuật và an ninh con người tiếp tục được các thành viên đề cao và sẽ được thảo luận tại các hội nghị bộ trưởng và hội nghị SOM. Theo đó, ngoài việc triển khai các nội dung hợp tác thương mại truyền thống, APEC tiếp tục xem xét, thảo luận và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực thương mại thuộc thế hệ mới như hội nhập kinh tế khu vực, trong đó tập trung vào việc cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Trang trí Trung tâm Hội nghị Hawaii chuẩn bị cho APEC 19. Ảnh: Internet. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều khó khăn, việc tăng cường giao thương giữa các nước cũng như cùng hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế để vượt qua khủng hoảng sẽ mở ra một cơ hội mới cho tất cả các thành viên APEC trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. Kể từ khi thành lập năm 1989, trải qua 18 kỳ hội nghị cấp cao, APEC đã luôn hoạt động với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư. APEC hiện là cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất trong khu vực, gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 40% dân số, 55% GDP và hơn 44% thương mại toàn cầu. Qua hơn 20 năm phát triển, Diễn đàn hợp tác APEC đã khẳng định được vai trò và vị thế trong khu vực và quốc tế, được các thành viên coi trọng.
Thúc đẩy TPP
Có thể nói nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị APEC năm nay thể hiện ở việc nước chủ nhà Mỹ sẽ tận dụng diễn đàn này để thúc đẩy tiến trình của Hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do nước này bảo trợ với mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại tự do, trong đó về nguyên tắc, mọi hàng rào thuế quan sẽ bị loại bỏ và sẽ tự do hóa trao đổi dịch vụ và đầu tư. Kể từ tháng 3/2010 đến nay, 9 nước tham gia vòng đàm phán được Mỹ gọi là “Hiệp định thương mại thế kỷ 21” này gồm Brunây, Niu Dilân, Chilê, Xinhgapo, Mỹ, Ôxtrâylia, Pêru, Việt Nam và Malaixia đã tiến hành 9 vòng đàm phán về TPP. Mỹ đang kỳ vọng sẽ có thêm các nước khác tham gia TPP, nhất là những cường quốc như Trung Quốc hay Nhật Bản, quốc gia được cho là sẽ được mời tham gia TPP tại Hội nghị APEC lần này.
Tại Honolulu, Hawaii, các nhà lãnh đạo APEC sẽ theo dõi chặt chẽ liệu Thủ tướng Yoshihiko Noda có đưa Nhật Bản vào các cuộc đàm phán TPP hay không. Theo nhật báo Nikkei (Nhật Bản), có thể coi việc gia nhập hiệp định thương mại tự do TPP là một động thái chiến lược nhằm giúp Nhật Bản duy trì cán cân an ninh vốn không vững chắc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy vậy, một cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Nhật Bản phản đối đất nước Mặt trời mọc tham gia TPP ngay trước thềm Hội nghị APEC ở Hawaii có thể khiến Thủ tướng Noda phải cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định đưa ra tại hội nghị sắp tới. Với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này gần đây cho biết Trung Quốc "cởi mở" về các sáng kiến hợp tác như TPP. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak từng cho biết nước ông sẽ cân nhắc gia nhập tiến trình này trong khi Philíppin cũng thể hiện sự quan tâm song còn muốn xem các tiêu chí và đòi hỏi nảy sinh nếu gia nhập TPP.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao APEC nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC. Tham dự các hội nghị cấp cao APEC là dịp để Việt Nam tranh thủ các chương trình hợp tác phù hợp của APEC để thiết thực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư với các đối tác, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên APEC thông qua trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đáng chú ý là những nét mới trong nội dung Hội nghị cũng là những vấn đề quan tâm và là lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong phát triển kinh tế như tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế thị trường, liên kết kinh tế thương mại khu vực, tăng trưởng "xanh"…
Đỗ Sinh