Trong bài phát biểu gửi tới Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Dialogues), Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống và các nền kinh tế có xu hướng bảo hộ, việc đặt ra các quy định tự do và công bằng cho kinh tế toàn cầu đóng vai trò rất quan trọng. Ông cho biết bên cạnh việc thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhật Bản cũng sẽ hướng tới Khu vực Thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 9, Thủ tướng Suga khẳng định Nhật Bản sẽ hướng tới một hiệp định thương mại tự do rộng lớn hơn giữa 21 nền kinh tế thành viên của APEC. Cuối tuần trước, Nhật Bản và 14 nước tại châu Á đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay.
Cũng tại phiên đối thoại, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo APEC sẽ đạt được nhất trí về các mục tiêu phát triển mới trong 20 năm tới, trong đó tập trung vào thương mại tự do, đổi mới kỹ thuật số, bền vững và bao trùm. Bà cho biết trước thách thức kinh tế lớn nhất của thế hệ này, các bên không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ là quay về chủ nghĩa bảo hộ. Các nền kinh tế APEC cần duy trì cam kết để đảm bảo thị trường rộng mở và thông thương.
Trong bối cảnh New Zealand sẽ giữ chức Chủ tịch APEC vào năm tới, Thủ tướng New Zealand hối thúc các nền kinh tế APEC phối hợp để kích hoạt tăng trưởng và hoạch định cho lộ trình phục hồi kinh tế lâu dài, hội tụ các yếu tố bền vững, bao trùm và kỹ thuật số. Dự kiến New Zealand cũng sẽ chủ trì các phiên họp APEC theo hình thức trực tuyến do dịch COVID-19.
Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC do Hội đồng Tư vấn kinh tế APEC (ABAC) diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Malaysia. Đây là một nền tảng cho các lãnh đạo kinh tế APEC và các doanh nghiệp thảo luận các vấn đề đáng quan tâm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.