APEC 2021: Canada nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác với các nền kinh tế

Kết thúc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 32 (AMM 32) diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 8-9/11 do New Zealand đăng cai tổ chức, Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đã ra tuyên bố nhấn mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là quan hệ đối tác của Canada trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng vai trò thiết yếu để đạt được sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và bao trùm trong giai đoạn hậu COVID-19.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu dự trực tuyến Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 32. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tập trung thảo luận về cách thức để thương mại quốc tế có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cho rằng các thành viên APEC cần chung tay hành động để đạt được sự phục hồi thịnh vượng hơn, bền vững và bao trùm hơn theo cách thức phù hợp với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các mục tiêu hành động vì khí hậu. Bà nhấn mạnh cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Canada tập trung vào bình đẳng giới trong quá trình ra quyết định - nhân tố góp phần vào sự phục hồi kinh tế dài hạn và sức tăng trưởng trong tương lai. Ngoại trưởng Joly cũng nhắc lại cam kết của Canada tăng cường hợp tác trong khu vực để vượt qua những thách thức về kinh tế, xã hội và phát triển do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Tại hội thảo, bà Mary Ng, Bộ trưởng Thương mại quốc tế, xúc tiến xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và phát triển kinh tế của Canada khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường thương mại và đầu tư quốc tế vì lợi ích của tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ, cộng đồng thổ dân và đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, Bộ trưởng Ng nhấn mạnh cam kết của Canada trong việc hợp tác với các nền kinh tế APEC về thương mại bao trùm. Theo Bộ trưởng Mary Ng, chưa bao giờ hợp tác đa phương lại quan trọng như thời điểm hiện nay, khi các nền kinh tế tìm cách phục hồi và tái thiết sau đại dịch COVID-19. Là một diễn đàn hợp tác, APEC đã mang lại những cải thiện đáng kể cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 30 năm qua.

Các bộ trưởng APEC cũng lưu ý tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới trong việc hỗ trợ khu vực phục hồi sau đại dịch. Các bộ trưởng nêu rõ mong muốn các bên kiềm chế sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu không cần thiết và hàng rào phi thuế quan, đảm bảo rằng mọi biện pháp như vậy đều phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Canada là thành viên sáng lập của APEC - một diễn đàn đa phương của 21 nền kinh tế thành viên nhằm thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và hợp tác trong toàn khu vực. Chính phủ Canada đang soạn thảo một chiến lược đầu tiên của Ottawa bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mong muốn tiến tới một cách tiếp cận tích hợp mới đối với khu vực này, nhằm đa dạng hóa sự tham gia của Canada và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác ngoại giao, kinh tế, an ninh và phát triển bền vững.

Hương Giang  (TTXVN)
Các nền kinh tế thành viên APEC khẳng định lập trường chống chủ nghĩa dân tộc vaccine
Các nền kinh tế thành viên APEC khẳng định lập trường chống chủ nghĩa dân tộc vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, ngày 9/11, các nền kinh tế thành viên thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã một lần nữa khẳng định "lập trường vững chắc" chống lại chủ nghĩa dân tộc vaccine nhằm hỗ trợ đà phục hồi của khu vực sau đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh cam kết chung tay ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN