APEC 2023: Mỹ nhấn mạnh mối liên hệ mạnh mẽ với các nền kinh tế thành viên 

Ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh những mối liên hệ mạnh mẽ với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và khẳng định Mỹ là một nước Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 2, phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) trong cuộc gặp bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, tại California (Mỹ) ngày 15/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với các giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp trong khu vực trước bữa trưa làm việc với lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, ông Biden đã nêu bật các hoạt động đầu tư cho khu vực của các công ty Mỹ như Amazon, Delta Air Lines, PepsiCo, Apple và Boeing. Nhấn mạnh tiềm lực của nền kinh tế Mỹ, ông Biden cho biết 60% hàng xuất khẩu của Mỹ có điểm đến là các nền kinh tế APEC. Doanh nghiệp Mỹ cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất đối với các nền kinh tế này, cam kết ít nhất 40 tỷ USD trong năm 2023. Tổng thống Biden khẳng định các nền kinh tế APEC có thể tin tưởng Mỹ là đối tác mạnh và ổn định. Điều này được thể hiện qua việc các công ty đặt trụ sở ở các nền kinh tế APEC khác đã đầu tư hơn 200 tỷ USD tại Mỹ kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2021.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết Washington sẽ không ngừng nỗ lực để cải thiện các tiêu chuẩn lao động và duy trì các cam kết với các công đoàn đại diện người lao động. Trong tuần này, các thành viên nhóm 14 nước đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), sáng kiến do Washington khởi xướng, đã không thể nhất trí về vấn đề cải thiện các tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Về vấn đề này, ông Biden cho rằng câu hỏi đặt ra hiện nay không phải là giá trị trao đổi thương mại là bao nhiêu mà là làm thế nào để bồi đắp khả năng chống chịu của các nền kinh tế, nâng đỡ người lao động, giảm khí thải carbon và vạch ra lộ trình kế tiếp cho các nền kinh tế trong dài hạn, đảm bảo tăng trưởng ở tất cả các nền kinh tế thành viên, để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong ngày 16/11, ông Biden và một số lãnh đạo thành viên APEC cũng tham dự sự kiện liên quan IPEF.

Về quan hệ của Mỹ với nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc, ông Biden cho rằng việc hai nước có mối quan hệ ổn định sẽ tốt cho cả thế giới. Tổng thống Biden khẳng định Mỹ duy trì cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Biden nêu rõ trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông đã khẳng định Mỹ gắn bó với khu vực vì là "một quốc gia Thái Bình Dương". Theo ông, về kinh tế Mỹ không tách rời với Trung Quốc nhưng sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh nước này chắc chắn bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia đồng thời bám sát con đường ngoại giao, tránh những động thái đột ngột và ngăn chặn hiểu lầm.

Lê Ánh (TTXVN)
Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC chú trọng kiến tạo tương lai bền vững
Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC chú trọng kiến tạo tương lai bền vững

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã khai mạc ngày 16/11 tại San Francisco, Mỹ, với mục tiêu xây dựng một APEC gắn kết hơn, đổi mới hơn và bao trùm hơn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN