Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã đưa ra tuyên bố trên tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura và Ngoại trưởng Yoko Kamikawa của Nhật Bản - 1 trong 14 quốc gia tham gia thảo luận trong khuôn khổ IPEF. Bà xác nhận: "Chúng ta đã có một cuộc họp cấp bộ trưởng tuyệt vời, khép lại những cuộc thảo luận về 3 trụ cột của IPEF". Theo bà Raimondo, các nước tham gia thảo luận đã nhất trí về các điều khoản trong trụ cột về năng lượng sạch, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác các nỗ lực khử carbon, cũng như các điều khoản về chống tham nhũng nhằm mục đích ngăn ngừa trốn thuế và hỗ trợ các nước xây dựng thể chế và luật pháp mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bà Raimondo không công bố chi tiết của những thỏa thuận này.
Hồi tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố khởi động tiến trình thảo luận về IPEF nhằm củng cố quan hệ kinh tế với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực ước tính chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hiện nay.
Các nước tham gia thảo luận IPEF đang nỗ lực thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chung trên 4 trụ cột - gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng. Các nước tham gia thảo luận về IPEF hiện gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Trụ cột thương mại của IPEF hiện chưa đạt được thỏa thuận. Trong một đánh giá ngày 13/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng cần có "những chuyển động tích cực hơn nữa" để đạt được tiến triển trong vấn đề thương mại.