Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế APEC lần thứ 25 (AMM 25) vừa kết thúc mới đây tại Bali, Indonesia, đã nhất trí khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng và đầu tàu cho kinh tế toàn cầu của APEC.
Mục tiêu chính của APEC -như đã đề cập trong các mục tiêu Bogor được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 1994 tại Bogor, Indonesia là phát triển một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thân thiện về thương mại và đầu tư thông qua loại bỏ các hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho dòng chảy nguồn nhân lực và cải thiện cấu trúc cũng như thông thương hàng hóa và dịch vụ.
Không thể phủ nhận các mục tiêu nêu trên là những nhiệm vụ vô cùng to lớn và khó khăn, trong khi APEC chỉ là một diễn đàn bao gồm các nền kinh tế với các điều kiện, quan điểm khác nhau, thậm chí có cả xung đột về mặt lợi ích.
Các đại biểu tham dự hội nghị cấp cao APEC CEO ngày 6/10/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, ngay từ khi được thành lập APEC đã không nhằm mục đích trở thành một khối như Liên minh Châu Âu (EU), mà coi mình như là một quá trình bổ sung để hỗ trợ các chương trình và chính sách được thực thi trong khu vực, thông qua ủng hộ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Khu vực thương mại tự do và Hiệp định Thương mại khu vực (RTA) giữa các nền kinh tế thành viên.
Ông Wahid Supriya, quan chức cấp cao Chính phủ Indonesia, thành viên Ban tổ chức Hội nghị SOM APEC và Hội nghị AMM 25 nói rằng thành công của EU trong thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua hội nhập kinh tế của các thành viên đã truyền cảm hứng cho nhiều cấu trúc khu vực khác trên thế giới, trong đó có Châu Á - Thái Bình Dương, và đến cuối năm 2012 APEC đã khoảng 100 RTA/FTA giữa các nền kinh tế thành viên. Nhận thức tầm quan trọng của các FTA/RTA, APEC -cùng với các mục tiêu Bogor, đã đặt mục tiêu dài hạn xây dựng Khu vực mậu dịch tự do cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
FTAAP được thiết lập sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế thành viên APEC và thúc đẩy thương mại thế giới, bởi khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp gần 60 % Tổng sản phẩm quốc nội thế giới (GDP) và khoảng một nửa thương mại quốc tế. Ngoài ra, FTAAP sẽ tác động tích cực đến hòa bình và ổn định khu vực. ASEAN -là một trong những cấu trúc khu vực, dự kiến sẽ mở đường để bắt đầu FTAAP cùng với APEC.
Ông Wahid Supriyadi nêu rõ các nền kinh tế APEC đến từ 12 tổ chức, diễn đàn khu vực, bao gồm ASEAN, ASEAN +3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn các đảo Thái Bình dương (PIF), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Sáng kiến Mỹ-Hạ nguồn sông Mekong, Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), CARE, G7 và G20, nên về cơ bản APEC có tài sản kinh tế và chính trị nổi bật và hoàn toàn sẽ đưa cộng đồng hướng tới một thương mại cởi mở, công bằng và phúc lợi cho tất cả các cộng đồng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Tú (P/v TTXVN tại Jarkarta)