Bà Vangelis Vitalis - quan chức cấp cao của New Zealand - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên APEC năm 2021 - nhấn mạnh rằng: "APEC đang ở trong gian đoạn quan trọng, khi các nền kinh tế thành viên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế kéo dài. Giữa những bất ổn này, các bên cần phối hợp cùng nhau, dựa trên niềm tin chung rằng việc hợp tác thương mại nhiều hơn và cởi mở hơn, cùng với cải cách cơ cấu và tăng cường hợp tác là cách ứng phó hiệu quả nhất đối với đại dịch."
Theo quan chức này, các biện pháp được hướng tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế trên toàn khu vực cũng bao gồm cả công tác đảm bảo sản xuất, cung cấp và phân phối vaccine phòng COVID-19 cũng như các nỗ lực chia sẻ vaccine trên toàn cầu, dỡ bỏ các rào cản đối với dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu và bảo đảm rằng mọi người đều có thể tiếp cận các hệ thống chăm sóc y tế của khu vực.
Các nhóm chính sách và giới chức cấp cao của APEC cũng đã thông báo về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện tuyên bố chung của các bộ trưởng năm 2020 về tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả hoạt động cung ứng vaccine, hàng hóa và dịch vụ liên quan, cũng như vật tư y tế và thương mại kỹ thuật số. Báo cáo kinh tế gần đây của Đơn vị Hỗ trợ chính sách APEC cho thấy tuy sự phục hồi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ tiêm chủng và công tác phân phối vaccine trên toàn khu vực, nhưng APEC vẫn dự kiến đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 6,4% trong năm nay.
Bà Vitalis cũng cho biết APEC mong muốn thúc đẩy một số sáng kiến "bao gồm hiện đại hóa danh mục hàng hóa và dịch vụ vì môi trường như một cách đóng góp cho sự phát triển bền vững”.
APEC hiện là tổ chức liên chính phủ duy nhất có danh sách hàng hóa vì môi trường được thống nhất. Năm 2012, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí giảm thuế quan xuống mức không quá 5% trong Danh sách Hàng hóa vì môi trường của APEC. Danh sách này bao gồm 54 sản phẩm đóng góp tích cực vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo bà Vitalis, APEC cũng "đang nỗ lực để tìm ra điểm chung giữa 21 nền kinh tế thành viên về cách các nền kinh tế có thể thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trong khu vực thông qua Internet và lộ trình kinh tế kỹ thuật số, đồng thời giải quyết những khoảng cách hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho tất cả mọi người được hưởng lợi ích của lĩnh vực này".