Chuyên gia khảo cổ thuộc Viện Bảo tàng Khoa học Tự nhiên của Trường Đại học San Juan (IMCN), ông Ricardo Martinez cho biết đây là khu vực có gần 10 cá thể hóa thạch khác nhau với khối lượng lớn xương và hầu như không có trầm tích. Địa điểm này giống cái giếng chứa đầy xương và thực sự gây ấn tượng. Theo ông Martinez, các mẫu vật trên có niên đại 220 triệu năm trước, trong thời kỳ con người có ít thông tin liên quan đến động vật. Chuyên gia của IMCN nêu bật tầm quan trọng của việc tìm thấy nghĩa địa khủng long hóa thạch do có ít nhất 7-8 cá thể thuộc loài dicynodont, tổ tiên của động vật có vú với kích thước bằng con bò, và của loài archosaur khác- một loại bò sát vẫn chưa được biết tới, có thể là khủng long hoặc tổ tiên của cá sấu khổng lồ.
Về phần mình, chuyên gia trong nhóm nghiên cứu thuộc IMCN, bà Cecilia Apaldetti cho biết địa điểm trên được tìm thấy vào tháng 9 năm ngoái trong chiến dịch nghiên cứu lưu vực Ischigualasto. Các nhà khảo cổ đã phải ngừng khai quật trong mùa Hè vừa qua do mưa nhiều và nhiệt độ cao, song sẽ trở lại khu vực đó trong tuần này để tiếp tục công việc.
Đề cập tới nguyên nhân tích tụ lượng lớn xương khủng long tại Ischigualasto, các chuyên gia khảo cổ dự đoán nơi phát hiện hóa thạch trước đây có thể là một hồ nước nhỏ cho động vật ăn cỏ uống nước. Vào thời điểm đó có khả năng xảy ra hạn hán kéo dài, khiến nước trong hồ bốc hơi, các con vật yếu dần và chết tại đây.
Argentina được mệnh danh là nghĩa địa của các loài khủng long. Nhiều hóa thạch với niên đại thuộc kỷ Tam Điệp, kỷ Jura và kỷ Cera được tìm thấy tại quốc gia Nam Mỹ này và không có ở Bán cầu Bắc. Những hóa thạch nổi bật được phát hiện tại vùng miền Nam Patagonia, La Rioja, tỉnh San Juan và tỉnh miền Bắc Salta.