Ngày 27/6, thẩm phán liên bang Argentina Lilian Herraez đã phong tỏa hơn 156 triệu USD của năm công ty đang tiến hành thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp Malvinas với Vương quốc Anh. Một giàn khoan dầu khí neo đậu tại vịnh Berkeley Sound, gần quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. Ảnh: AFP |
Bà Herraez cho rằng việc các công ty Premier Oil Plc, Falkland Oil and Gas Ltd, Rockhopper Exploration Plc, Noble Energy Inc và Edison International Spa của nước Anh đang tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại quần đảo Malvinas là hành động “bất hợp pháp”, đồng thời cũng ra lệnh bắt giữ các tàu đang hoạt động tại khu vực mà Argentina tuyên bố chủ quyền tại nam Đại Tây Dương.
Chính phủ Argentina cũng đã nhiều lần yêu cầu nước Anh ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tranh cãi giữa hai nước về chủ quyền của Malvinas mà London gọi là Falkland. Tuy nhiên, chính phủ Anh luôn phớt lờ yêu cầu này. Trước đó, ngày 1/4, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina, Daniel Filmus đã phản đối việc các công ty của nước Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại Malvinas.
Ông Filmus cho biết chính phủ Argentina đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để đấu tranh chống lại việc "xứ sở sương mù" tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển đang có tranh chấp. Các công ty của nước Anh cũng đã đưa tin phát hiện dầu khí tại một trong bốn giếng khoan tại phía bắc quần đảo Malvinas/Falklands.
Quần đảo Malvinas mà nước Anh gọi là Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách nước Anh gần 8.000 km, với tổng diện tích khả thi có thể khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2. Quần đảo bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của nước Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó bị đánh bại. Tranh chấp dai dẳng giữa hai bên về chủ quyền quần đảo này lại gia tăng trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Argentina Cristina Fernandez.
Từ đầu năm nay, nước Anh đã tiến hành khoan thăm dò và tuyên bố phát hiện dầu khí tại khu vực này. Chính phủ Anh quốc cũng tuyên bố tăng cường quân sự ở quần đảo này trước sự đe dọa của Argentina khiến tình tình càng trở nên phức tạp. Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, song chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo này và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn.