Ngày 17/11, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Chiba Akira khẳng định Việt Nam đã rất năng nổ trong thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt Đại sứ Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và "đưa mọi người vào cuộc với quyết tâm rất cao và kết quả thành công rực rỡ”.
Bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam về công tác tổ chức, Đại sứ Chiba cho rằng các hội nghị vừa qua đều diễn ra hết sức suôn sẻ và “tất cả đều hài lòng”. Theo ông, trong bối cảnh đặc biệt do đại dịch COVID-19, “đây sẽ là một ví dụ điển hình cho toàn khối ASEAN”.
Chia sẻ về thông điệp được Nhật Bản truyền tải tại các hội nghị cấp cao vừa qua, Đại sứ Chiba cho biết điều quan trọng nhất là Nhật Bản ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). AOIP có nhiều nguyên tắc cơ bản giống với chính sách của Nhật Bản. Và do vậy, Nhật Bản sẵn sàng tăng cường hỗ trợ và giúp hiện thực hóa văn kiện này.
Về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ASEAN và 5 nước đối tác ký kết, Đại sứ Chiba nhấn mạnh đây là công cụ rất quan trọng đối với khu vực nhằm tạo thuận lợi không chỉ cho thương mại mà còn cả các vấn đề liên quan đến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Nhà ngoại giao Nhật Bản nói rõ: “RCEP rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, tất nhiên là cả đối với Nhật Bản và chúng tôi mong muốn tiếp tục giao thương thông qua RCEP. Rất tiếc là Ấn Độ đã không thể tham gia lần này. Song như chúng ta đều biết, Ấn Độ có thể tham gia bất cứ lúc nào họ muốn và chúng tôi chào đón Ấn Độ khi nước này sẵn sàng”.
RCEP chiếm gần 1/2 dân số và khoảng 1/3 GDP toàn thế giới. Hiệp định thương mại này sẽ giúp Nhật Bản xuất khẩu được nhiều sản phẩm cho tất cả các nước tham gia. Đổi lại, Nhật Bản sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của ASEAN và đây cũng là tin tốt cho người tiêu dùng Nhật Bản.
Theo Đại sứ Chiba, thế giới đang nỗ lực để phục hồi sau cú sốc COVID-19. Tạo thuận lợi cho thương mại và tăng cường khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng là điều vô cùng quan trọng đối với sự phục hồi của tất cả các nền kinh tế. Tạo thuận lợi cho thương mại và mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa với cạnh tranh.
Do vậy, tất cả các nền kinh tế, trong đó có Nhật Bản, sẽ phải củng cố nền kinh tế trong nước để có đủ năng lực vượt qua cuộc cạnh tranh này. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức cạnh tranh thì RCEP cũng mang lại những cơ hội hợp tác và Đại sứ Chiba hy vọng rằng tất cả các nền kinh tế thành viên có thể tìm ra cách để biến RCEP thành một hiệp định “rất mạnh mẽ”.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang khiến các nước ASEAN gặp khó khăn về kinh tế, Đại sứ Chiba khẳng định Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN trong nhiều khía cạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng trong toàn khu vực. Nhật Bản cũng sẵn sàng tài trợ các dự án liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương của mỗi cộng đồng và đang có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Về kết quả hợp tác Nhật Bản-ASEAN trong năm 2020, Đại sứ Chiba cho biết dự án lớn nhất mà Nhật Bản cùng thực hiện với ASEAN là Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED), được công bố tại Hội nghị Cấp cao Nhật Bản-ASEAN. Ngay khi ASEAN đưa ra quyết định về địa điểm đặt trụ sở AC-PHEED, Nhật Bản sẵn sằng hỗ trợ triển khai dự án này.
Liên quan đến các chính sách và định hướng chiến lược cho quan hệ đối tác Nhật Bản-ASEAN trong thời gian tới, Đại sứ Chiba cho biết kể từ khi ASEAN công bố AOIP, Nhật Bản trân trọng và coi đây như một biểu hiện của bản sắc và sự thống nhất của ASEAN. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận ra rằng ASEAN đã tìm thấy bản sắc của mình ở Thái Bình Dương. Bất cứ ai phủ nhận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc phủ nhận bản sắc ASEAN. Vì vậy từ góc độ này, Nhật Bản rất quan tâm đến việc hợp tác với ASEAN thông qua AOIP”.