Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng RCEP sẽ là công cụ quan trọng để khôi phục kinh tế, đồng thời khuyến khích tái mở cửa thị trường và đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt quãng.
Phát biểu khi tham dự Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 4 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh RCEP có vai trò vô cùng thiết yếu đối với sự phản ứng của khu vực trong việc xử lý COVID-19, đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn tác động tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế.
Theo nhà lãnh đạo Chính phủ Malaysia, trong bối cảnh phải chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, lại vừa phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN cần tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh của khu vực. Ông Muyhiddin cho rằng các hiệp định tự do thương mại (FTA) là cách giúp duy trì khả năng cạnh tranh thông qua việc thúc đẩy thương mại quốc tế, khuyến khích đầu tư và đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực tài năng. Với ý nghĩa như vậy, RCEP sẽ là phương tiện chủ chốt giúp tăng cường kết nối kinh tế trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Đánh giá về việc ký kết RCEP, Thủ tướng Muhyiddin cho rằng hiệp định được thương thảo dựa trên sự phát triển kinh tế khác nhau giữa 15 nước thành viên và có thể mang lại lợi ích cho tất cả. Ông Muhyiddin nhấn mạnh RCEP sẽ là tiêu chuẩn đối với sự phát triển trong tương lai và là sự ghi nhận thích đáng đối với các nỗ lực hợp tác kinh tế của các nước trong khu vực.
Thủ tướng Muhyiddin nêu rõ Malaysia cùng các nước đối tác trong RCEP muốn chứng tỏ với thế giới rằng, mặc dù có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, song 15 nước thành viên có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một hiệp định thương mại mang lại lợi ích cho tất cả các bên, không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn cho cả sinh kế của người dân.
Về việc Ấn Độ chưa tham gia RCEP, Thủ tướng Muhyiddin cho biết ông chia sẻ với những khó khăn mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Theo ông Muhyiddin, Malaysia luôn ủng hộ và mong muốn Ấn Độ sẽ gia nhập RCEP trong tương lai.
*Tổng thống Indonesia Joko Widodo đánh giá việc ký kết RCEP là biểu tượng của sự cam kết vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Tổng thống Widodo nhấn mạnh việc ký kết RCEP là “thời khắc lịch sử” sau tiến trình đàm phán kéo dài gần một thập kỷ; tiến trình đàm phán không hề dễ dàng, song cuối cùng hiệp định đã được ký kết, cho thấy “cam kết mạnh mẽ” đối với các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương và quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực.
Theo Tổng thống Widodo, RCEP cũng đánh dấu cam kết của các nước đối với các nguyên tắc thương mại đa phương “cởi mở, công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên”. Quan trọng hơn, hiệp định này mang lại hy vọng và lạc quan về sự phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh RCEP là “biểu tượng” cho cam kết của các nhà lãnh đạo khu vực đối với mô hình các bên cùng có lợi và ưu tiên lợi ích chung, đồng thời khẳng định cam kết vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng sẽ là một phần quan trọng để khu vực hướng tới vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Tổng thống Widodo lưu ý rằng việc ký kết RCEP mới chỉ là “bước khởi đầu”, và các nước liên quan vẫn cần phải nỗ lực để triển khai thỏa thuận thương mại vốn đòi hỏi “cam kết chính trị ở cấp cao nhất” này.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu trong cuộc họp báo chiều 15/11 sau khi tham gia lễ ký RCEP, Bộ trưởng Công thương Singapore Chan Chun Sing cho rằng RCEP là một sáng kiến địa chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn. ASEAN đã đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình đàm phán tiến tới ký kết RCEP. Việc ký kết RCEP là một cú hích kịp thời cho triển vọng dài hạn của khu vực, và là điểm sáng trong năm 2020 đầy thách thức.
Bộ trưởng Công thương Chan Chun Sing nhấn mạnh để tận dụng được những lợi ích của RCEP, vẫn còn nhiều việc phải làm và các bên sẽ cẩn đẩy nhanh nỗ lực phê chuẩn hiệp định càng sớm càng tốt.
Về phía Singapore, ông Chan Chun Sing khẳng định nước này chắc chắn sẽ phê chuẩn RCEP trong vòng 12 tháng tới. Dù không có khung thời gian cố định nào cho các thành viên khác, nhưng ông Chan kỳ vọng các thành viên khác sẽ phê chuẩn sớm nhất có thể bởi các bên đều đã đưa ra cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao RCEP trước lễ ký, Thủ tướng Singapore khẳng định việc ký kết RCEP “là một bước tiến lớn đối với thế giới, vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại”.
Nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh việc ký kết RCEP cho thấy “cam kết tập thể của chúng ta đối với việc duy trì các chuỗi cung ứng mở và kết nối, đối với việc thúc đẩy thương mại tự do hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh khi đối mặt với dịch COVID-19, các nước trở nên hướng nội và theo xu hướng bảo hộ hơn”.
Ông cũng lưu ý sự đa dạng của các nước tham gia RCEP cho thấy các nền kinh tế ở những giai đoạn phát triển khác nhau đều có thể hợp tác với nhau và đóng góp cho sự phát triển của nhau, cũng như cho hệ thống thương mại đa phương. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng sự đa dạng này và những mối liên kết mạnh mẽ giữa các nước tham gia với Mỹ, châu Âu và các nước còn lại trên thế giới cũng phản ánh tính bao trùm và rộng mở của hiệp định.
Thủ tướng Singapore hy vọng Ấn Độ sẽ tham gia RCEP trong tương lai để thỏa thuận thương mại này phản ánh được đầy đủ các mô hình hội nhập và hợp tác khu vực ở châu Á.
*Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ vui mừng khi chứng kiến việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do lịch sử này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Thủ tướng Prayut ghi nhận các nước tham gia RCEP đã phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình đàm phán do trình độ phát triển kinh tế khác nhau và những vấn đề nhạy cảm, trong khi đại dịch COVID-19 gần đây cũng gây thêm khó khăn. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia tham gia RCEP đã cùng nhau nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua những thách thức đó.
Thủ tướng Prayut nhận xét RCEP không chỉ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà còn có đặc trưng về chất lượng và tiêu chuẩn, cũng như tác động tích cực của hiệp định đối với việc nâng cao tính cạnh tranh và làm gia tăng những lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên.
Thủ tướng Prayut tin tưởng ngay khi hiệp định RCEP có hiệu lực, sự hội nhập kinh tế sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn đầu tư từ các đối tác toàn cầu. Điều này sẽ giúp tất cả các thành viên có năng lực và khả năng phục hồi để quản lý các thách thức kinh tế trong tương lai, đồng thời phục hồi mạnh mẽ sau tác động của đại dịch.
Theo Thủ tướng Prayut, Hiệp định RCEP sẽ nâng cao giá trị chiến lược của ASEAN cũng như khu vực RCEP và cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác trong thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hướng tới thương mại tự do và cởi mở hơn, trong khi củng cố hệ thống thương mại đa phương. Sau đó, khu vực và người dân sẽ có thể thu được những lợi ích kinh tế mang tính bao trùm và bền vững.