Tại hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho rằng nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc "một cách xây dựng".
Theo ông Heng Swee Keat, có nhiều lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và với Trung Quốc, theo đó ông hoan nghênh những tín hiệu cho thấy Washington và Bắc Kinh sẽ hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cũng đề xuất Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đối với hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, ông cho rằng hai bên cần nỗ lực giảm căng thẳng và tránh xung đột lợi ích - vốn là yếu tố cản trở hợp tác vì lợi ích chung.
Đề cập đại dịch COVID-19, ông Heng Swee Keat cảnh báo về "vết sẹo kinh tế" nếu đại dịch tiếp tục kéo dài. Ông cho rằng nếu các công ty phải đóng cửa và công nhân nghỉ việc, sẽ rất khó để xây dựng lại nền kinh tế khi tình hình trở nên tốt hơn.
Trước đó, tại hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và phê phán "cách tư duy ngắn hạn". Ông nhấn mạnh "thắng lợi lâu dài" không phải là một nước tìm cách để luôn đứng đầu mà là "những nước lớn nhất sẽ xây cầu nối thay vì xây tường chắn".
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới coi vaccine ngừa COVID-19 là một loại "hàng hóa công cộng toàn cầu", thay vì coi đó là một công cụ chính trị hay ngoại giao. Ông Prayuth Chan-ocha kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động hướng tới một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, đồng thời chống chủ nghĩa dân tộc về vaccine và chính trị hóa vấn đề vaccine.
Thủ tướng Prayuth cũng kêu gọi thế giới hợp tác nhằm phục hồi ngành du lịch, cho rằng cần thúc đẩy một môi trường thuận lợi để phục hồi du lịch hậu COVID-19. Ông Prayuth nêu rõ: "Chúng ta cần công nhận các chứng chỉ vaccine của nhau và phát triển các thẻ y tế kỹ thuật số có thể tương tác toàn cầu để tạo thuận lợi cho việc đi lại và vực dậy ngành du lịch".
Về quan hệ quốc tế, Thủ tướng Thái Lan bày tỏ ủng hộ hợp tác kinh tế đa phương, nhấn mạnh hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu, như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và CPTPP, là chìa khóa để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
Hội nghị Tương lai châu Á là diễn đàn quốc tế do hãng Nikkei Inc. (Nhật Bản) tổ chức thường niên từ năm 1995 (ngoại trừ năm 2020 vì dịch COVID-19). Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến, có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á, trong đó có các nhà lãnh đạo đến từ khu vực Đông Nam Á, gồm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các lãnh đạo chính trị, kinh tế và các học giả thảo luận nội dung châu Á có thể bước vào kỷ nguyên mới như thế nào trong giai đoạn đầy bất trắc như hiện nay.