Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ lao động di cư trong các lĩnh vực nghề nghiệp ở tất cả các giai đoạn chuẩn bị, ứng phó và phục hồi để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ và gia đình trong các tình huống khủng hoảng. Các nước ASEAN nhất trí lồng ghép công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư và gia đình của họ trong các tình huống khủng hoảng vào các chính sách, chương trình và cơ chế của quốc gia phái cử; tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin và các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời. Các lãnh đạo cam kết tạo điều kiện cho lao động di cư gặp khủng hoảng được đảm bảo an toàn bền vững, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, bảo trợ xã hội, hỗ trợ sinh kế trong thời gian nghỉ phép, ốm đau hoặc thương tật, cũng như hồi hương và tái hòa nhập với quốc gia xuất xứ.
Ngoài ra, lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường phối hợp song phương và đa phương xuyên biên giới giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan nhằm hỗ trợ và bảo vệ lao động di cư và gia đình của họ trong các tình huống khủng hoảng, cũng như bảo vệ họ để không trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác trong việc hỗ trợ lao động di cư của các quốc gia thành viên ASEAN đang gặp phải các tình huống khủng hoảng bên ngoài khu vực trong trường hợp cần thiết, dựa trên năng lực và nguồn lực của các Đại sứ quán và Văn phòng lãnh sự của các nước có liên quan.
Cuối cùng, lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác và đối tác toàn xã hội, toàn chính phủ giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài của ASEAN, các tổ chức quốc tế có liên quan nhằm bảo vệ tốt hơn lao động di cư và gia đình họ trong các tình huống khủng hoảng.